Nhiều hộ nghèo tại huyện Krôngpa - vùng "chảo lửa" của tỉnh Gia Lai kiến nghị nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo còn ở mức thấp, chưa đáp ứng nhu cầu cho người nghèo vay để phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.
Anh Nay Tuyr - chủ hộ nghèo ở làng Liet (xã Chư Đrăng) đã 2 lần vay vốn với tổng số tiền 20 triệu đồng để mua giống mở rộng diện tích trồng sắn cao sản với diện tích 8 sào và 2 con bò con để nuôi. Anh Nay Tuyr cho biết: "Trong mấy năm nay, nguồn thu từ cây sắn cao sản cũng chỉ trang trải đủ ăn, mức dôi dư tích lũy không nhiều và chỉ đủ dành dụm hoàn trả lại vốn khi đến thời hạn. Mình muốn được vay thêm vốn nhiều hơn để mở rộng diện tích và mua thêm bò về chăn nuôi mới nhanh chóng thoát nghèo được".
Còn gia đình anh K'sor Phí, ở làng Liên có mức sống khá hơn nhưng cũng còn nằm trong diện cận nghèo, bởi chưa có nhiều vốn để phát triển kinh tế gia đình. Được vay một ít tiền chính sách cộng với tiền vay trong dòng họ, anh mua được 2 đôi bò sinh sản và qua 5 năm đã tạo đàn được hơn 10 con. Anh tâm sự: "Tôi quyết tâm thoát nghèo và vươn lên làm giàu bằng việc phát triển chăn nuôi trên vùng đất "chảo lửa" này, song cái khó và trở ngại vẫn là nguồn vốn vay chính sách còn ít. Tôi dự kiến sẽ mua thêm khoảng 6 sào đất vườn để trồng ngô lai và 3 sào lúa nước 2 vụ và lúc đó mới thoát khỏi cảnh nghèo khó và vươn lên làm giàu được...".
Ông Nay Hem - Chủ tịch xã Chư Đrăng, cho biết: cả xã chỉ có khoảng 1.200 hộ với hơn 6.000 khẩu, hầu hết là người dân tộc J'rai cùng chung sống trên 7 buôn làng, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao nhất nhì trong toàn huyện với hơn 45% (theo tiêu chí mới). Mặc dù, trên địa bàn có đến hơn 70% số hộ nghèo được vay vốn chính sách, song sức phát triển sản xuất chưa mạnh nên tiến độ giảm nghèo còn chậm. "Những gì bà con nghèo phản ánh là hoàn toàn đúng bởi giờ đây bà con đã dần biết cách làm ăn, họ muốn nhiều vốn để phát triển sản xuất, trong khi đó nguồn vốn vay của chính sách thì lại ít chưa đáp ứng được nhu cầu...", ông Nay Hem nhận xét.
Văn Thông