Giới chức Mỹ ngày 24/8 cho biết nhà báo Mỹ Perter Theo Curtis đã được trao trả cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc sau 22 tháng bị một nhóm phiến quân Hồi giáo tại Syria bắt làm con tin.Nhà báo Perter Theo Curtis. |
Trong một tuyến bố, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã xác nhận thông tin trên, đồng thời khẳng định Washington sẽ dùng các biện pháp ngoại giao, tình báo và quân sự cần thiết để giải cứu các con tin người Mỹ khác tại Syria.
Nhà báo tự do Curtis, 45 tuổi, được nhóm Mặt trận Al-Nusra ở Syria trao trả cho lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại khu vực Quneitra trên Cao nguyên Golan sau những cuộc thương lượng giữa Chính phủ Mỹ và Qatar với nhóm này. Nhà báo Cutis được trả tự do chưa đầy một tuần su khi nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tung video chiếu cảnh nhà báo Mỹ James Foley bị hành quyết gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn biến khác liên quan, Đảng Cộng hòa đã hối thúc Nhà Trắng đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm vào IS tại Iraq và Syria đồng thời cáo buộc chính sách của Tổng thống Barack Obama đã thất bại trước những mối đe dọa mới tiềm tàng ngay trên đất Mỹ.
Phát biểu trong chương trình "Gặp gỡ báo chí" trên kênh truyền hình NBC, Chủ tịch Ủy ban tình báo của Hạ viện Mike Rogers hối thúc chính quyền Obama nên phối hợp với các nước Arab nhằm triển khai những chiến dịch lớn và toàn diện triệt phá mọi hoạt động của IS tại Iraq và Syria.
Ông Rogers cho biết IS đang lôi kéo sự ủng hộ từ những đối tượng có thể du lịch đến châu Âu mà khó bị phát hiện để tiến hành các cuộc tấn công. Ý kiến của ông Roger đã nhận được sự đồng tình của một số nghị sỹ Đảng Cộng hòa khác trong đó có Thượng nghị sỹ John McCain. Những nhân vật này đều cho rằng chính sách an ninh của Tổng thống Obama cho thấy thiếu sự chỉ đạo trong chiến dịch chống khủng bố kể từ khi Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011.
IS là một tổ chức cực đoan đang gây bạo loạn tại nhiều khu vực rộng lớn ở Iraq, buộc Mỹ phải tiến hành các cuộc không kích đầu tiên kể từ khi rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này hồi năm 2011. Kể từ ngày 8/8, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo ở miền bắc Iraq, một nửa trong số đó diễn ra tại khu vực xung quanh đập Mosul.
Mới đây nhất, lực lượng người Kurd với sự yểm trợ từ các cuộc không kích của Mỹ đã giành lại quyền kiểm soát đập thủy điện Mosul, thắng lợi đáng kể nhất kể từ khi họ mở chiến dịch phản công lực lượng phiến quân Hồi giáo. Trong khi đó, phiến quân IS ở nước láng giềng Syria cũng đang hứng chịu nhiều đợt không kích quyết liệt của quân chính phủ.
TTXVN/Tin tức