Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại

2.Bắt đầu tham gia hoạt động chính trị, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Lênin

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vừa bùng nổ thắng lợi, mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử loài người. Nhân Hội nghị Hòa bình Versailles, cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, dưới tên ký Nguyễn Ái Quốc, anh thử nghiệm sử dụng pháp lý tư sản và hình thức đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đưa ra bản Yêu sách tám điểm, đòi quyền bình đẳng về pháp lý và các quyền tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Bản Yêu sách không được các đế quốc thắng trận để mắt tới, anh rút ra kết luận: Chương trình 14 điểm của Tổng thống Mỹ W. Wilson chỉ là một trò bịp lớn, “muốn giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân mình” [2].

Cuối năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, một chính đảng duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa. Tuy nhiên, anh đã thất vọng, vì họ nói rất hay, “thông qua những nghị quyết rất kêu, để sau đại hội đưa vào viện bảo tàng” [3].

Giữa lúc đó, ai đã chìa bàn tay thân ái đối với anh, với các dân tộc thuộc địa? - Chính phái tả của cách mạng Pháp, Quốc tế 3, Lênin và Cách mạng Nga! “Họ đã không vừa lòng với việc đọc những bài diễn văn rỗng tuếch và viết ra những nghị quyết “nhân đạo”… “Mặc dù đang vấp phải những khó khăn trong nước và ngoài nước, nước Nga cách mạng không hề một chút do dự trong việc giúp đỡ các dân tộc mà nó đã thức tỉnh bằng cuộc cách mạng anh dũng và thắng lợi” [4].

Chính nhờ thắng lợi của cách mạng Nga, rồi đọc Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa mà Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức. Đêm kết thúc Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp (30/12/1920), Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế 3, đánh dấu bước ngoặt trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc: Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, đồng thời mở ra bước chuyển cho bao thế hệ người Việt Nam: Từ người yêu nước thành người cộng sản.
3.Vừa hoạt động thực tiễn, vừa nghiên cứu lý luận, góp phần bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác

- Nguyễn Ái Quốc khởi đầu hoạt động đấu tranh cách mạng của mình bằng việc tố cáo những tội ác man rợ của bọn thực dân ở thuộc địa, nhằm làm cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới biết được sự thật về cái gọi là “chính sách khai hóa” của bọn thực dân, gây men căm giận, phẫn nộ, từ đó kêu gọi “nô lệ thức tỉnh”: “Mọi chế độ thực dân đế quốc đều tiêu diệt hết các nòi giống bản xứ, muốn cứu vãn những nòi giống này, ta phải lật đổ chủ nghĩa đế quốc” [5]. Sử dụng hình ảnh “chủ nghĩa tư bản là con đỉa 2 vòi”, nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả 2 cái vòi của nó đi, Nguyễn Ái Quốc nêu lên sự cần thiết phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa, hai cuộc cách mạng đó phải phối hợp nhịp nhàng với nhau như hai cánh của một con chim.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng đó, sự ủng hộ của quốc tế là rất quan trọng, song nhân tố quyết định vẫn là sự nỗ lực của bản thân nhân dân các dân tộc thuộc địa. Người viết: “Vận dụng công thức của C. Mác, tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em, chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em” [6].

Những bài báo đó của Nguyễn Ái Quốc đã đặt cơ sở ban đầu cho việc hình thành lý luận về con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản.

- Sau khi đến Liên Xô, tham gia một khóa học lý luận ngắn hạn, rồi được mời tham dự nhiều đại hội và hội nghị quốc tế lớn, Nguyễn Ái Quốc có cơ hội vừa lắng nghe, học tập, vừa vận dụng vốn lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của mình, tham gia vào cuộc tranh luận, đưa ra những ý kiến sắc sảo, những luận điểm riêng, góp phần bổ sung và phát triển lý luận của Lênin về cách mạng ở thuộc địa.

Thời kỳ sau khi Lênin qua đời, về mặt lý luận, phong trào cộng sản quốc tế có xu hướng bị “xơ cứng hóa”, còn tỏ ra chịu ảnh hưởng nhiều của thuyết “dĩ Âu vi trung”(Européo-centrisme=lấy châu Âu làm trung tâm), thường chỉ nhấn mạnh vai trò quyết định của cách mạng vô sản ở chính quốc mà coi nhẹ hoặc đặt cách mạng giải phóng dân tộc ở địa vị phụ thuộc.

Sớm nhận ra tình hình này, tại các diễn đàn quốc tế đó, bằng những lời lẽ tâm huyết và lập luận thuyết phục, Nguyễn Ái Quốc đã “thức tỉnh” các đồng chí cộng sản châu Âu về tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa, rằng “vận mệnh của giai cấp vô sản ở các nước đi xâm lược gắn chặt với vận mệnh của giai cấp bị áp bức ở các thuộc địa…” , rằng “nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc,… Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng, lại khinh thường thuộc địa… trong lúc chủ nghĩa tư bản lại dựa vào nó để tự bảo vệ và chống lại các đồng chí?” [7].

Từ luận điểm đó, Nguyễn Ái Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Người yêu cầu giai cấp vô sản ở chính quốc và đảng tiên phong của nó “không phải chỉ tỏ tình đoàn kết với những anh em cùng giai cấp ở đấy bằng lời nói, mà còn phải giác ngộ họ, giáo dục họ về ý thức tổ chức và về phương pháp tổ chức” [8]; “cần nêu một tấm gương về những điều họ có thể và phải làm cho những anh em của họ đang bị áp bức” [9], chỉ có sự hợp tác đó mới có thể đảm bảo cho giai cấp công nhân quốc tế giành được thắng lợi cuối cùng.

Trước khi rời Mátxcơva đi về phương Đông, Nguyễn Ái Quốc thấy cần thiết phải chính thức phát biểu quan điểm của mình (báo cáo bằng văn bản) với BCH quốc tế cộng sản. Người nhấn mạnh sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước. Người đặt vấn đề: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? - Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” [10]. Đây không phải Nguyễn Ái Quốc phản biện Mác mà chỉ thể hiện sự phản ứng với khuynh hướng “lấy châu Âu làm trung tâm” vào lúc đó, vẫn coi châu Âu là mẫu mực, là điển hình cho sự phát triển của nhân loại, cho rằng khi nào cách mạng vô sản ở châu Âu thắng lợi thì các dân tộc thuộc địa đương nhiên sẽ được giải phóng,… (trong khi Nguyễn Ái Quốc, do đánh giá cao chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc của nhân dân thuộc địa, lại cho rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và bằng thắng lợi của mình mà góp phần “giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”) [11].


Xuất phát từ tư duy biện chứng và yêu cầu phải vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội các nước phương Đông và Việt Nam, trong báo cáo gửi quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đề xuất 3 luận điểm lớn:

+ “Cuộc đấu tranh giai cấp ở đó (tức Việt Nam) không diễn ra giống như ở phương Tây”, do ở đó sự phân hóa giai cấp chưa triệt để và sâu sắc; sự đối lập về tài sản và mức sống giữa các giai cấp chưa thật lớn, do đó, “sự xung đột về quyền lợi giữa họ được giảm thiểu”; hơn nữa các dân tộc Viễn Đông không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ, nên cuộc đấu tranh giai cấp ở đó không quyết liệt như ở đây (tức phương Tây).

+ “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” - hơn nữa còn là động lực vĩ đại và duy nhất của họ, vì ở các thuộc địa đang đấu tranh giành độc lập thì mâu thuẫn dân tộc và đế quốc là mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu nhất, mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ dân tộc vẫn tồn tại, nhưng được giảm thiểu, vì dù là tư sản hay địa chủ (hạng vừa và nhỏ) cũng đều là người nô lệ mất nước.

+ Từ đó, Người mạnh dạn kiến nghị: “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ các Xô viết phải đảm nhiệm” [12].

Những quan điểm trên đã thể hiện một năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc về lý luận, dựa trên quan điểm thực tiễn, quan điểm biện chứng vốn là linh hồn của chủ nghĩa Mác. Tiếc rằng 3 luận điểm đó được đưa ra vào thời điểm sau khi Lênin đã mất, quan điểm “giai cấp chống giai cấp” đang thắng thế, “chủ nghĩa dân tộc” bị coi là rơi vào phạm trù tư tưởng tư sản, nên không được quốc tế cộng sản chấp nhận. Tuy vậy, các quan điểm đó vẫn được Nguyễn Ái Quốc kiên trì vận dụng để chỉ đạo cách mạng Việt Nam, vì nó đúng với hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam.

(Còn tiếp)

------------------------------
[2] Hồ Chí Minh TT, 1995, t.1, tr.281
[3] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr.281
[4] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr.298
[5] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr. 340
[6] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr.128
[7] Hồ Chí Minh TT, t. 1.tr. 273-275
[8] Hồ Chí Minh TT, t.2, tr. 114
[9] Hồ Chí Minh, sđd, t. 1,tr.302
[10] Hồ Chí Minh, sđd, t.1,tr. 466
[11] Hồ Chí Minh TT, t.1, tr. 36
[12] Xem Hồ Chí Minh TT, t.1, tr. 466 - 467
Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại

Từ Đường Kách mệnh đến Chính cương, Sách lược vắn tắt đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN