Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại

4. Từ Đường Kách mệnh đến Chính cương, Sách lược vắn tắt đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng Việt Nam

- Tác phẩm Đường Kách mệnh là sự phát triển các quan điểm lý luận đã được Nguyễn Ái Quốc sơ bộ nêu lên trước đó, nay được trình bày tương đối có hệ thống về con đường cách mạng Việt Nam.

+ Đường Kách mệnh khẳng định cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng Nga, tức là phải đặt nó trong quỹ đạo cách mạng vô sản.

+ Đường Kách mệnh xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn: Dân tộc cách mệnh và thế giới cách mệnh, hai giai đoạn này có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi giai đoạn có mục tiêu và phương pháp vận động cách mạng khác nhau. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đề cao sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, chủ trương đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, trên nền tảng “công nông là người chủ cách mệnh”, “là gốc cách mệnh”, “còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ,… ba hạng ấy chỉ là bầu bạn của công nông thôi”.

+ Đường Kách mệnh sớm chỉ ra tầm quan trọng của vấn đề đoàn kết quốc tế, vấn đề phương pháp cách mạng như phương pháp tuyên truyền, giảng giải về lý luận, về chủ nghĩa, về giác ngộ và cách tổ chức - vận động quần chúng ra đấu tranh,…

+ Đường kách mệnh nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng, “Đảng có vững, cách mệnh mới thành công. Đảng muốn vững, phải có chủ nghĩa làm cốt… Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”.

+ Đường Kách mệnh chỉ rõ sức mạnh của đảng cách mạng là ở lý luận, ở tổ chức, đồng thời còn ở phẩm chất chính trị và đạo đức của mỗi đảng viên. Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu vấn đề đạo đức cách mạng, nhắc nhở phải “ít lòng tham muốn về vật chất, phải xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc,…” vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ, hận thù, chỉ điểm, phản bội, làm tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.

Những nội dung trên cho thấy Đường Kách mệnh đã đặt cơ sở cho sự hình thành đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của cách mạng Việt Nam theo đường lối cách mạng vô sản; nó đánh dấu sự chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 20 của thế kỷ XX.

- Chính cương, Sách lược vắn tắt và các văn kiện của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Nguyễn Ái Quốc thảo ra, đã đánh dấu sự hình thành cơ bản tư tưởng của Người về con đường cách mạng Việt Nam.

+ Về tiến trình của cách mạng Việt Nam, Chính cương nêu rõ “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, nghĩa là tiến trình đó gồm 2 giai đoạn cách mạng như Lênin đã nói; vì thổ địa cách mạng cũng chỉ là một trong 2 nhiệm vụ cơ bản của giai đoạn tư sản dân quyền cách mạng. Còn để “đi tới xã hội cộng sản”, đó là nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng sau (giai đoạn thế giới cách mạng, tức cách mạng vô sản).
Xuất phát từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: đế quốc và phong kiến là 2 đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng không coi 2 nhiệm vụ đó phải thực hiện ngang nhau, song song, đồng thời, mà đặt lên hàng đầu nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc, cần tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chính, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhưng phải phục tùng nhiệm vụ chống đế quốc. Đó là chỗ khác với quan điểm của Staline và quốc tế cộng sản.

+ Về đường lối tập hợp quần chúng: Sách lược vắn tắt đề ra chủ trương mềm dẻo, nhằm tập hợp rộng rãi các tầng lớp dân chúng, lôi kéo họ đi về phe vô sản giai cấp, còn đối với bọn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản An Nam chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng (như Đảng Lập hiến,…) thì phải đánh đổ.

Sách lược vắn tắt của Đảng cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược, cùng với Chính cương vắn tắt trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, nguồn gốc tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là sự thấm nhuần và vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Lênin được Người đề ra trong Sơ thảo Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

Tuy nhiên, ở thời kỳ sau Lênin, nhất là sau Đại hội VI quốc tế cộng sản (1928), khi mà cuộc tổng khủng hoảng của CNTB đang đến gần, quốc tế cộng sản cho rằng thời kỳ bùng nổ và thắng lợi của cách mạng vô sản châu Âu đã tới, càng nhấn mạnh hơn khẩu hiệu “giai cấp chống giai cấp”, coi cách mạng giải phóng của các dân tộc phương Đông chỉ nằm ở vòng ngoài, hỗ trợ cho thắng lợi của cách mạng vô sản; lúc này mặt trận Quốc-Cộng hợp tác ở Trung Quốc cũng đã thất bại và tan vỡ,… nên Chính cương, Sách lược của Nguyễn Ái Quốc bị phê là “sặc mùi hợp tác giai cấp”. Chỉ sau những thất bại liên tiếp của cách mạng vô sản ở châu Âu cuối những năm 20 đầu 30, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít và sự bùng nổ chiến tranh thế giới mới, Đại hội VII cách mạng vô sản (7/1935) mới thay đổi đường lối, mới trở lại với tư tưởng của Lênin về chính sách mặt trận, khi đó tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc về con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam mới được thừa nhận và triển khai trong thực tế.

III. Trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng tháng Tám thắng lợi mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc

Đến với cánh tả của cách mạng Pháp rồi với Lênin và Cách mạng tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Người nóng lòng trở về Tổ quốc, “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”. Sau nhiều năm dày công chuẩn bị về chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng, đào tạo và huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, để chủ động đón thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, ngày 28/1/1941, Người đã vượt qua biên giới Việt - Trung, đặt chân lên mảnh đất địa đầu của Tổ quốc thân yêu sau mấy chục năm xa cách.

Ba mươi năm trước, khi Người bước chân ra đi, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mù mịt, chưa thấy đường ra. Ba mươi năm sau, Người trở về với Chính cương, Sách lược sáng trong lòng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), cùng với Trung ương Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Hội nghị nhận định: Cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền… (mà) là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất, chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian, đề thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công,… Làm như vậy, như Hội nghị phân tích, không phải là bỏ mất nhiệm vụ điền địa, mà nhằm ngay nhiệm vụ bức thiết trước mắt là giải phóng dân tộc, vì “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” [13].

Thi hành chính sách “dân tộc tự quyết”, Hội nghị cũng rút khẩu hiệu thành lập liên bang Đông Dương. Về vấn đề chính quyền, Hội nghị chỉ rõ: “Sau khi đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới… Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp của chung cả toàn thể dân tộc… ai là người dân sống trên giải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền” [14] .

Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 đã lôi cuốn hàng chục triệu nông dân, dù chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ, vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.

Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái “cẩm nang thần kỳ”, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang, lập nên nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở châu Á. Bài học khảo sát tận cùng thời đại với một tư duy dộc lập, tự chủ, sáng tạo nhằm tìm ra con đường đúng đắn cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh từ 100 năm trước đây vẫn đang là tấm gương sáng mà chúng ta phải thấm nhuần, quán triệt, để tìm ra con đường phát triển phù hợp cho Việt Nam ở thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
-------------------------------
[13] Văn kiện Đảng TT, t. 7 1940 -1945, tr.113.
[14] Văn kiện Đảng TT, t.7 tr.114

Nguyễn Tất Thành với cuộc trường chinh tìm đường cứu nước - Một trăm năm nhìn lại

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp vào lúc cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga vừa bùng nổ thắng lợi, mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử loài người. Nhân Hội nghị Hòa bình Versailles, cùng với Phan Châu Trinh và Phan Văn Trường...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN