Người Mường biết đánh chiêng có hàng vạn, nhưng người biết chỉ huy giàn chiêng cổ 12 chiếc thì chỉ còn lác đác vài người. Song, người dùng bàn tay xoa chiêng, giữ phách cho giàn chiêng xứ Mường thì chỉ còn mỗi ông già Thực dưới chân dốc Cun.
Hành trình đi tìm chiêng cái
“Đối với người Mường, chiêng là khí cụ không thể thiếu trong nhà sàn. Nhà nghèo nhất, cái gì thiếu được chứ không thể thiếu chiêng. Chẳng biết từ bao giờ, chiêng như gắn chặt với vòng đời của người Mường. Khi mới sinh thì đánh chiêng báo cho xóm làng, khi trưởng thành cưới vợ, dựng nhà cũng đánh chiêng, và khi chết, chiêng cũng là âm thanh cuối cùng đưa con người về với tổ tiên”, ông Nguyễn Văn Thực nói.
Ông Thực giới thiệu về chiếc chiêng cái, chiếc chiêng được ông coi như báu vật của người Mường. |
Vào những năm đất nước chiến tranh, toàn dân dốc sức cho tiền tuyến, cồng chiêng xứ Mường Hòa Bình dường như bị lãng quên. Có những khi còn phải dùng chiêng đúc nông cụ để sản xuất. Đất nước thống nhất, trước thực trạng mai một của văn hóa chiêng xứ Mường làm ông Thực trăn trở lắm. Nhìn lại, bản ông cũng chẳng còn nhiều người biết đánh 54 bài chiêng cổ của người Mường nữa. Thế là đêm đêm, ông Thực quyết tâm vác chiêng đến từng nhà cụ già trong bản để học cách đánh các bài chiêng cổ.
Người thường đánh chiêng bằng dùi, riêng ông Thực dùng bàn tay xoa chiêng để giữ nhịp, dẫn phách. Đây là nghi thức dậy chiêng (đánh thức hồn chiêng) không thể thiếu trong không gian văn hóa cồng chiêng của xứ Mường. |
Khi đã thành thạo các bài chiêng, đã biết nhịp, biết phách để có thể dùng chiêng đệm cho các bài hát của tộc người khác thì ông cũng biết thẩm định âm thanh những chiếc chiêng. Để có thể tấu chiêng cho những bài dân ca, phải cần một giàn chiêng sắc bùa gồm 12 chiếc. 12 chiếc chiêng này đại diện cho 12 âm vực trong âm nhạc dân gian của người Mường. Nhưng khổ nỗi, giàn chiêng sắc bùa đó, ngày xưa chỉ có trong nhà quan lang giàu có xứ Mường. Bây giờ chẳng ai còn có đủ giàn chiêng đó.
Ông Thực bảo: “Chiếc chiêng cái này quý giá bởi mặt chiêng rất căng, âm vọng. Kỹ thuật đúc để có mặt chiêng căng như thế này đã bị thất truyền”. |
Ông Thực cất công lặn lội đến 4 xứ Mường của Hòa Bình là Mường Vang, Mường Thành, Mường Bi, Mường Động tìm đến con cháu các nhà quan lang ngày xưa để mua lại. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người ta thấy ông lặn lội đến xứ Mường Động (thuộc huyện Kim Bôi ngày nay) để xem chiêng thì thấy lạ lắm. Người tốt thì cảm kích và cho luôn, người hám của thì cũng chỉ bán cho ông với giá rẻ như bèo. Cuối cùng, ông cũng đã tìm được 11 chiếc chiêng có âm vực khác nhau. Nhưng tìm mãi, hỏi mãi không thấy đâu tăm tích chiếc chiêng cái, chiếc chiêng quan trọng nhất, có âm vực cao nhất có thể dẫn nhịp giữ phách cho giàn chiêng sắc bùa.
12 chiếc chiêng là bộ sắc bùa của người Mường, đại diện cho 12 âm vực có thể sử dụng từ lúc mới sinh đến đám cưới, đám ma và trong lễ hội, ngày Tết. |
Vào những năm ấy, việc buông lỏng quản lý cổ vật đã khiến những chiếc chiêng cái quý giá ấy được giới cổ vật săn còn hơn săn vàng. Chiếc chiêng cái hiếm hoi ấy đã không còn nằm trong bản làng của người Mường nữa, điều đó đã được ông Thực khẳng định sau nhiều năm đi tìm. Có thể tâm huyết của ông sẽ thành công cốc, bởi 11 chiếc chiêng kia, nếu không có chiêng cái thì cũng thành vô hồn, vô phách.
Quyết không từ nan, nghe tin ở Nam Định có làng đúc đồng, ông cũng khăn gói lặn lội đến thuê đúc. Nhưng những chiếc chiêng đó cũng như bao chiếc chiêng bình thường khác, âm vực thì thấp, đặc biệt, khi xoa có thể dậy âm thì không được. Nghe ngóng mãi, có người mách ở Đông Sơn (Thanh Hóa) có làng đúc chiêng từ thời Đông Sơn, là cái nôi đúc chiêng cho người Việt Mường cổ. Nhưng chiếc chiêng đúc tại đây cũng làm ông thất vọng. Ông nghĩ, bí quyết đúc chiêng cái có lẽ đã bị thất truyền, nhưng ở đây, biết đâu trong nhà dân còn lưu giữ chiếc cái cổ chiêng ấy.
Thế rồi trời không phụ công, ông đã tìm được chiếc chiêng cái ấy trong nhà một lò đúc cổ. Nhưng vào năm 1989, cái giá 900 nghìn đồng mà gia chủ ra giá đã là một gia tài quá lớn, ngoài sức của gia đình ông. Nhưng ông nghĩ: “ Tiền có nhiều đến mấy thì cũng làm ra được, nhưng không có chiếc chiêng này thì người Mường mình để mất một tài sản quý giá mà cha ông truyền lại”. Ông về nhà bán ruộng, nhà, lợn, dê, bán cả đến con gà cuối cùng cộng với số tiền vay mượn họ hàng mới đủ đưa chiếc chiêng cái quý giá ấy về xứ Mường.
Ông “dậy” chiêng
Để minh chứng cho sự quý giá của chiếc chiêng đó, ông Thực tiến hành các nghi thức ”dậy” chiêng cho chúng tôi xem. Trước tiên, ông cẩn thận đi rửa tay thật sạch, lau khô rồi ông mới bắt đầu xoa chiêng. Ông xoa vào núm chiêng khoảng 1 phút thì âm thanh bắt đầu dậy lên, ban đầu âm thanh nghe rất thanh, rất mỏng nhưng càng ở xa thì nghe càng lớn, âm vực càng rộng.
Bằng kinh nghiệm của đời đam mê chiêng, ông bảo: “Một chiếc chiêng tốt thì núm phải làm hoàn toàn từ đồng đỏ chứ không phải pha vàng bạc như người ta đồn đại”. |
Theo quan niện của người Mường, chiêng cũng có hồn, dung tay xoa núm chiêng là thể hiện sự hòa hợp giữa hồn người, hồn chiêng. |
Ông bảo: “Người Mường ở Hòa Bình cứ bảo tôi là ông “dậy” chiêng. “Dậy” chiêng ở đây không phải là dạy cách đánh chiêng cho người khác mà là một nghi thức đánh thức hồn chiêng. Người Mường quan niệm, chiêng là vật linh thiêng, cũng có hồn như con người. Lâu ngày không sử dụng thì hồn chiêng sẽ ngủ, muốn sử dụng chiêng trong các dịp lễ lạt thì phải làm nghi thức “dậy” chiêng. Sau khi “dậy” chiêng thì những âm thanh phát ra bằng cách xoa vào núm chiêng cái ấy, chính là nhịp, là phách cho giàn chiêng của người Mường”.
Ông Thực ngoài có tài xoa chiêng, giữ phách còn là “nghệ nhân” phục hồi chiêng mất tiếng. Ông bảo: “Điều cấm kị nhất là việc úp chiêng sấp xuống đất, tỳ đè lên mặt, như vậy sẽ làm chiêng mất hồn”. |
Cũng theo cách giải thích của ông Thực, dùng tay xoa vào núm chiêng chính là thể hiện sự hòa hợp giữa hồn chiêng và hồn người. Khi đã hòa hợp thì tiết diện xoa ít hay nhiều giữa bàn tay và núm chiêng cũng tạo nên những âm vực khác nhau. Sợ cách xoa chiêng này sẽ bị mất khi ông quy tiên, ông đã kỳ công dạy lại cho rất nhiều người trong bản nhưng không thành công. Người giỏi lắm cũng chỉ xoa lên âm thanh chứ không thể thành phách, thành nhịp như ông.
Cứu tinh cho một kỷ lục
Ít người biết, ý tưởng thực hiện màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất Việt Nam đã được lãnh đạo tỉnh Hòa Bình ấp ủ xây dựng trong vòng 2 năm qua. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, hiện tại toàn tỉnh còn hơn 1 vạn chiếc chiêng được lưu giữ trong nhà dân. Như thế có thể khẳng định, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, văn hóa chiêng xứ Mường vẫn tồn tại. Nếu nghiên cứu một cách tỉ mỉ, không gian văn hóa cồng chiêng quả là một báu vật văn hóa không chỉ riêng của người Mường mà là của cả Việt Nam.
Ông thực đã dẫn nhịp, giữ phách cho màn trình tấu cồng chiêng 1.400 chiếc được Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận tại lễ hội Vật báu – Hồn thiêng. |
Nhà nghiên văn hóa xứ Mường Bùi Chí Thanh - Tổng Đạo diễn Lễ hội văn hóa cồng chiêng Hòa Bình cho biết: “Để thực hiện màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất Việt Nam, việc tìm nghệ nhân, diễn viên trong 4 xứ Mường của Hòa Bình thì không thiếu. Khó nhất vẫn là việc giữ nhịp, dẫn phách cho số lượng chiêng cùng trình tấu một lúc. Chúng tôi đã nghĩ ngay đến ông Thực. Chúng tôi cho rằng, không có người giữ nhịp dẫn phách thì dàn đồng tấu cồng chiêng khổng lồ ấy sẽ loạn âm ngay. Kết quả thật không ngờ khi ông Thực có thể giữ nhịp dẫn phách cho 1.400 chiếc chiêng cùng trình tấu một lúc”.
Sau sự kiện ồn ào được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận màn trình tấu cồng chiêng lớn nhất, ông Thực lại trở về sống lặng lẽ trong ngôi nhà sàn duy nhất ở xóm Chăm (TP Hòa Bình). Đã 75 tuổi, đêm đêm ông vẫn dạy đội văn nghệ xóm Chăm biểu diễn chiêng. Và chiếc chiêng được giới cổ vật đánh giá đã qua hơn 2.000 năm tuổi ấy được ông coi như báu vật. Đã có rất nhiều người buôn đồ cổ đến trả giá cao, nhưng ông nhất quyết không bán. Ông bảo: “Chiếc chiêng cái ấy sẽ là báu bật của gia đình tôi, là hồn cốt duy nhất còn ở lại với người Mường thì giá nào mua nổi”.
Bài: Thông Thiện -Ảnh: Yên Ninh