Người dân tái định cư “khát” nước

Được sự đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số các bản tái định cư thủy điện ở tỉnh Lai Châu được ghi nhận là tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ. Với những con đường nhựa phẳng lỳ, trường học khang trang, điện lưới về khắp thôn bản… đã giúp người dân dần bắt nhịp trên quê hương mới. Tuy nhiên, nước sản xuất và nước sinh hoạt vẫn là những vấn đề mà đa số người dân sống tại các bản tái định cư lo lắng bấy âu nay.

Người dân đang kiểm tra đường ống dẫn nước.


Cứ hai ngày một lần, vào sáng sớm, chị Hoàng Thị Hương, dân tộc Khơ Mú ở bản tái định cư Sài Lương, xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu lại đi một quãng đường dài theo đường ống dẫn nước từ nhà lên bể chứa chung để kiểm tra đường ống nước ngoằn ngoèo vắt ngang qua hàng loạt ruộng bậc thang khô hạn. Có nhiều đoạn đường ống còn mới tinh và không ít đoạn đã mục nát. Do sợ trâu bò đi lại dẫm đạp lên đường dẫn nước gây gãy, đứt nên chị Hương phải đi kiểm tra thường xuyên.


Chị Hoàng Thị Hương cho biết: “Trước đây ở bản cũ, cạnh suối Nậm Mu chẳng bao giờ thiếu nước. Nhưng về nơi ở mới thì thiếu nước sinh hoạt và cả nước sản xuất. Trong bản tái định cư Sài Lương này, hầu như nhà nào cũng mất tiền để mua ống dẫn nước về. Gia đình tôi cũng phải đầu tư hàng triệu đồng mỗi năm để mua ống, dẫn nước về nhà”.


Là một trong những hộ đã đầu tư từ 5 - 7 triệu đồng mỗi năm để mua đường ống dẫn nước về bể tại nhà nhưng không mấy hiệu quả, ông Hoàng Văn Đón, Trưởng bản Sài Lương cho biết, bản có 8 bể chứa nhưng trong bể thường xuyên không có nước do đường ống chung bị tắc. Hộ nào có điều kiện thì tự đầu tư ống nước dẫn về để sinh hoạt. “Đường ống nước có vấn đề do xây dựng lắp đặt không đảm bảo, mong Nhà nước xem lại cho người dân chúng tôi”, Trưởng bản Hoàng Văn Đón kiến nghị.


Cách bản Sài Lương không xa là bản tái định cư Tà Mít. Việc thiếu nước sản xuất gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Hiện cả bản chỉ tận dụng được một số ít ha đất để làm lúa 1 vụ, số diện tích đất còn lại không thể cày cấy được bởi không có nước. Ông Hoàng Văn Hặc, Trưởng bản Tà Mít cho biết: “Huyện đang cho xây kênh mương nhưng khả năng đưa nước về là rất ít vì mương nước này cách xa nơi ở của người dân”.


Bản tái định cư Tân Muôn, nằm cận kề trung tâm thị trấn Tân Uyên, tình trạng thiếu và không có nước sinh hoạt vẫn diễn ra thường xuyên. Trưởng bản Hoàng Văn Báo cho biết, cả bản có gần 120 hộ với trên 640 nhân khẩu, 100% là đồng bào Khơ Mú. Đã nhiều tháng nay, nhiều hộ dân không đủ nước sinh hoạt, mặc dù chủ đầu tư đã xây dựng hệ thống dẫn nước từ khe núi vào bể chứa. Nước không đến được tận nhà, ống dẫn nước thì bị hư hỏng, một số hộ đã phải tự đầu tư mua đường ống xong cũng không có nước.

 


Đã thành thông lệ, cứ đến khoảng thời gian này là gia đình anh Lò Văn È, ở bản tái định cư Tân Muôn lại phải chuẩn bị một khoản tiền để mua ống dẫn nước. Trong khi đời sống bà con tái định cư còn nghèo, thu nhập chưa ổn định, giờ lại mất thêm tiền để tự mua ống dẫn nước về nhà nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Anh Lò Văn È mong muốn: “Người dân rất cần Nhà nước sửa lại bể và hệ thống dẫn nước. Gia đình tôi không có nhiều tiền nhưng mỗi năm vẫn phải mất tiền triệu để mua ống dẫn nước từ bể về”.


Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án xây dựng cơ bản và hỗ trợ bồi thường di dân tái định cư huyện Tân Uyên cho rằng: “Ngoài lý do công trình nước đầu mối bị cát sỏi bồi lấp, cửa lấy nước bị thu hẹp làm giảm lượng nước dẫn về bể còn do ý thức người dân. Các van khóa nước bị hư hỏng nặng, kênh bị vỡ, đường ống bị chặt phá... nên bể không thể tích nước được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tham mưu với huyện, sớm khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt ở một số điểm, bản tái định cư”.


Người dân các bản tái định cư cho rằng đường ống nước “có vấn đề”, xây dựng lắp đặt không đảm bảo. Về phía nhà đầu tư thi công lại đổ lỗi cho ý thức bảo vệ tài sản công của người dân. Thực tế, đầu mối lấy nước nằm cách xa các hộ được thụ hưởng nên đường ống quá dài, đi qua nhiều địa hình phức tạp, làm cho việc quản lý bảo vệ hết sức khó khăn.


Ông Hoàng Văn Hặc, Trưởng bản tái định cư Tà Mít đề xuất: “Các đầu mối cấp nước nên nằm khu vực dân cư để thuận lợi trong quản lý bảo vệ. Hơn nữa, cũng cần giao trách nhiệm cụ thể cho từng người, từng gia đình để trông coi hệ thống cấp nước”.


Bài và ảnh: Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN