Trước đây, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) được coi là "cái nôi" về hủ tục lạc hậu. Nhiều đứa trẻ Bahnar và J’rai trên địa bàn xã vừa mới lọt lòng mẹ đã bị ghép cho cái tội là con ma làng, nên đã bị giết bằng mọi cách không thương tiếc. Những con ma làng này thường rơi vào các trường hợp mẹ chửa hoang hoặc sau khi sinh người mẹ bị bệnh chết... Nhưng giờ đây, ở Bờ Ngoong gần như không còn hủ tục lạc hậu này nữa, mà thay vào đó là tình người sâu sắc.
Người có công lớn trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu này là chị Phạm Thị Ngọc, đang là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam ở xã Bờ Ngoong. Việc làm của chị lâu nay được chị em phụ nữ dân tộc ở các buôn làng trên địa bàn quý trọng, bởi đã giúp cho cộng đồng nâng cao ý thức trong việc xua đuổi con ma làng ra khỏi quan niệm lạc hậu của mình. Ai cũng cho chị là người có tài "biến hóa" những con ma làng thành người, nhưng thực ra chị biết áp dụng phương pháp tuyên truyền, vận động đi vào lòng người và có hiệu quả. Bà con đều đồng thuận và làm theo lời chị nói.
Chị Ngọc nhớ lại: “Vào một buổi sáng năm 2007, tôi đang ở nhà thì có tiếng gọi hốt hoảng của chị Thanh (nữ hộ sinh của xã) bảo là vào ngay làng Puih để cứu một bé gái mới sinh. Dân làng đòi bóp chết vì mẹ nó là chị Đinh Ơloch chửa hoang. Nghe vậy, tôi vội khóa cửa, đi mua 3 bộ đồ trẻ sơ sinh và mấy gói bánh kẹo rồi chạy ngay vào làng. Trước nhà sản phụ Đinh Ơloch lúc bấy giờ có rất đông người đứng ngồi trước sân để chờ "hành quyết" một đứa trẻ sơ sinh. Tôi xin phép bà con được vào thăm 2 mẹ con cháu. Ngồi bên cạnh, tôi động viên an ủi và lấy quần áo mới mua mặc vào cho cháu rồi bế cháu lên âu yếm, khen cháu khỏe mạnh, xinh xắn và lại là cháu gái nữa, thật tốt cho người mẹ. Rồi tôi ra ngoài tuyên truyền, giải thích bằng cả pháp luật và luật tục để bà con hiểu và không đòi bóp chết cháu bé nữa. Ban đầu bà con không nghe. Tôi không dám rời xa hai mẹ con một bước. Hai ngày, ba ngày rồi đến cả tuần tôi vẫn bám làng để thuyết phục, cuối cùng bà con cũng nghe ra và tự nguyện đến thăm, động viên mẹ con chị Đinh Ơloch. Cháu bé có tên là Ăr ngày càng khôn lớn và ngoan hiền. Hiện nay cháu Ăr đã 6 tuổi và đang theo học lớp 1 trường làng”.
Hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở xã Bờ Ngoong thực hiện khá tốt, có đến 95% số cặp vợ chồng trong độ tuổi thực hiện các biện pháp tránh thai; trong đó, có nhiều cặp vợ chồng triệt sản; hơn 90% số chị em tự nguyện đến trạm xá khám thai và sinh đẻ. |
Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà chị Ngọc đã có công cùng với các hội, đoàn thể cứu sống cả mẹ lẫn con. Theo chị, để loại bỏ quan niệm lạc hậu trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số thì không chỉ tuyên truyền suông mà phải biết gắn liền với thực tế. Đó là vận động chị em phụ nữ đến các cơ sở y tế khám thai và sinh đẻ, thực hiện các biện pháp tránh thai... tránh tình trạng sinh dày, sinh khó.
Chị Phạm Thị Ngọc, quê ở Thanh Hóa, tham gia bộ đội năm 1971 và xuất ngũ năm 1981, đến năm 1995 gia đình chị chuyển vào lập nghiệp ở tỉnh Gia Lai (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Năm nay, chị Ngọc đã bước sang tuổi 59, luôn năng động và tâm huyết với nghề. Chị tâm sự: Nếu như sức khỏe cho phép thì tôi vẫn luôn gắn bó với chị em, với buôn làng để góp phần giúp cho cộng đồng trong xã đỡ bớt phần khó khăn trong cuộc sống...
Bài và ảnh: Văn Thông