Một huyền thoại nơi Trường Sơn đại ngàn thời chống Mỹ, một người mù bẩm sinh cả hai mắt vẫn lập nên những chiến công lẫy lừng và đã được công nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vụ trang nhân dân Việt Nam.
Đó chính là Alăng Bhuốch (người dân tộc Cơ tu, sinh năm 1933, thôn Aruung, xã Bhalêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam)
Anh hùng Alăng Bhuốch trong ánh chiều Trường Sơn. |
Chúng tôi đến thăm ông vào những ngày cuối tháng 4, qua một chặng đường dài ngược vùng cao, sau khi xuôi hết dốc Cổng Trời (xã Bhalêê), cuối cùng làng Aruung cũng hiện ra, ngôi nhà người Anh hùng Alăng Bhuốch nằm bên đường. Mấy hôm nay ông đang bị ốm. Vậy mà đang nằm trên giường nghe có khách đến thăm còn đứng ngoài sân ông liền giượng dậy, bảo con dâu lấy nước mời khách rồi nói vọng ra: “Mấy hôm ni trái gió trở trời, già bị đau nhức toàn thân nên không đi rừng được, còn ở nhà đây". Tôi hỏi: "Già "anh hùng" còn đi lên rừng được à?". Ông cười móm mém trả lời: "Được chứ,con mắt "gậy" của mình còn sáng lắm, chân mình còn khỏe lắm mà!". Nghe câu trả lời của cụ già 80 tuổi, mù cả hai mắt, chúng tôi vô cùng thán phục.
Sau những câu chuyện về cuộc sống, bản làng, chúng tôi gợi lại trong ông về một thời quá khứ hào hùng. Không còn hai mắt để sáng lên tự hào, người anh hùng Alăng Bhuốch ngẩng cao đầu, hào hứng kể chúng tôi nghe về một thời hoa lửa.
Phi thường trong thời chiến
Mới lên 7 tuổi, sau một cơn bạo bệnh, cậu bé Bhuốch đã bị mù cả hai mắt. Nhà nghèo nên hằng ngày em vẫn phải theo mẹ lên nương hái rau, xuống suối mò cua bắt ốc. Dần dần Bhuốch cũng quen dần với cuộc sống "bóng đêm".
Rồi bản làng vùng cao vốn bình yên bị giặc Mỹ xới tung bằng bom đạn, bản làng bị thiêu rụi, bao người Cơ tu phải chết tức tưởi. Căm thù giặc Mỹ, dù bị mù Alăng Bhuốch vẫn nài nỉ xin được tham gia đoàn dân công quyết tâm đánh giặc. Ước nguyện của ông không được chấp nhận vì ông bị mù, giữa những ngày tháng ác liệt, đường Trường Sơn dốc thẳm vực sâu người sáng mắt còn không đi được huống hồ gì ông. Nhưng với lòng quyết tâm, chàng trai mù Alăng Bhuốch cũng đã xin để được tiếp nhận vào hàng ngũ đoàn dân công của xã Anông, Atiêng, Tr’hy (huyện Tây Giang). Người anh hùng mù nhớ lại: "Người ta gùi đạn thì mình cũng gùi đạn. Không nhìn thấy đường nên mình lắng nghe theo từng bước chân người đi trước mà dò dẫm bước theo bằng con mắt "gậy". Mình cũng không nhớ đã có bao nhiêu cái gậy đã theo mình suốt hành trình tải đạn trên tuyến đường Trường Sơn".
Từ năm 1958 đến năm 1972 là những tháng ngày gian khó và vô cùng ác liệt, Alăng Bhuốch nhận công tác tải đạn tại kho 31 thuộc đoàn dân công Trường Sơn. Bước chân và mũi gậy của người anh hùng mù này đã in dấu trên những địa danh dọc tuyến đường Trường Sơn đông như A Rớt, Z’Rượt, Corovech, Ta Rêêl, Tacoo, Panonh, Tr’lêê.
Theo tài liệu thống kê còn lưu lại trong hồ sơ đề nghị xét công nhận Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang của già Alăng Bhuốch, người anh hùng "độc nhất vô nhị" này đã gùi được hơn 180 tấn hàng các loại (trong đó 120 tấn vũ khí, 62 tấn lương thực) để phục vụ chiến trường. Đặc biệt vào năm 1968, ông đã có lúc gùi thân và đầu súng DKZ, mỗi lượt nặng gần cả trăm cân trong khi cơ thể thì gầy nhom lại còn bị mù 2 mắt. Và cũng chính lần này Alăng Bhuốch được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được chọn đi báo cáo điển hình trong toàn quân.
Trong một buổi tuyên dương những vị anh hùng của huyện, bí thư Huyện ủy Tây Giang, ông Bh’riu Liếc đã nhận định : "Alăng Bhuốch là người con ưu tú nhất , là niềm tự hào của Tây Giang vì đã vượt lên hoàn cảnh để làm nên điều phi thường. Ông là tấm gương sáng để thế hệ trẻ, nhất là thế hệ trẻ người dân tộc Cơ tu giữa đại ngàn Trường Sơn noi theo. Danh hiệu Anh hùng LL VTND của già Alăng Bhuốch, là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước đối với người con ưu tú của núi rừng Trường Sơn".
Anh hùng giữa thời bình
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, ông lại về gắn bó với bản làng Aruung khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất. Già làng Alăng Bhuốch lại một lần nữa lập nên "chiến công" khiến bao người khâm phục khi biến 3 sào đất quanh năm khô hạn thành những đám ruộng 4 mùa xanh tươi.
Người dân trong làng cho biết, với cái cuốc nhỏ và cái xẻng cùn già Alăng Bhuốch đã cùng cậu con trai hơn 3 tháng ròng rã đào con mương dẫn nước từ con suối Đàn sau núi về làng để cải tạo đất hoang thành đồng ruộng. Không những thế người anh hùng mù Alăng Bhuốch còn là giọng hát dân ca Cơ tu rất hay, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ truyền thống như: đàn hai dây Ân rưl, sáo ngắn Ahen và đàn Abel..., và cũng là người am hiểu những nét văn hóa đầy bản sắc của dân tộc Cơ tu.
Khi chúng tôi tạm biệt ông để về lại đồng bằng, dù bị ốm vị anh hùng Alăng Bhuốch vẫn mò mẫn đôi mắt "gậy" của mình để tiển chúng tôi ra tận ngõ. Hình ảnh và những chiến công của ông đã góp thêm những điểm sáng trong trang sử hào hùng nơi cung đường Trường Sơn thời chống Mỹ cứu nước.
Bài và ảnh:N.Cường - TT.Xuân