Nghĩa tình của thầy cô cắm bản

Vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, dốc núi thẳng đứng, nhiều con suối sâu, chúng tôi tìm đến những lớp học vùng cao của tỉnh Phú Thọ. Nơi có những thầy cô giáo đang miệt mài “gieo” chữ trên non.

 

Nhọc nhằn cái chữ trên non


Vượt gần chục cây số, chúng tôi tới bản Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn (Phú Thọ). Bản có 74 học sinh dân tộc Dao đang theo học tại các bậc học. Không có điện, ánh đèn dầu là nguồn sáng duy nhất để giúp các em theo con chữ. Trường học cách nhà 5 - 6 km, mỗi khi mùa mưa tới, nước suối dâng cao nhiều em đã phải nghỉ học. Dường như những khó khăn ấy không ngăn nổi ước mơ theo đuổi con chữ của các em học sinh nơi đây.


 

Cô giáo Hoàng Thị Hương Huế đang luyện chữ cho các em học sinh.

Em Triệu Tiến Chuyền, học sinh lớp 7B, trường tiểu học Thạch Kiệt, tâm sự: Mỗi ngày em phải dậy từ lúc gà gáy, đi bộ tới trường mất hơn 1 tiếng. Ngày nắng thì không sao chứ ngày mưa to thì em không dám đi qua con đường mòn quanh đồi, nếu trượt chân là lao xuống vực ngay. Do không có điện nên em chủ yếu tranh thủ học lúc chiều về, còn ngày nghỉ thì em ở nhà giúp bố mẹ làm nương.


Bên ánh đèn dầu leo lét, em Phùng Văn Nghiêm, học sinh lớp 12H, trường THPT Thạch Kiệt, đang miệt mài ôn tập để chuẩn bị cho buổi học ngày mai. Nghiêm bộc bạch: “Em mong muốn sang năm sẽ thi đỗ đại học để sau này có thể giúp đỡ gia đình và bà con dân bản. Hy vọng rằng, một ngày nào đó bản em có điện lưới quốc gia để các em nhỏ sẽ không phải học chữ bằng đèn dầu nữa”.


Để đến được lớp học ở trung tâm xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), các em học sinh ở khu Né phải đi qua chiếc cầu tre vắt vẻo. Tuy nhiên, cứ vào mùa mưa bão, chiếc cầu tre, phương tiện duy nhất để sang bên kia bến Bụt để đến trường lại bị nước cuốn trôi. Nếu muốn đến lớp tại trung tâm xã chỉ còn cách đi vòng qua xã Tu Vũ (huyện Thanh Thủy) phải mất hơn 50 cây số.


Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Lãng cho biết: “Vào thời điểm mùa mưa bão, nhiều học sinh phải ở trọ những nhà gần trường để theo học. Giáo viên cũng phải bơi thuyền, lội bùn vào lớp dạy chữ cho các em học sinh. Sợ các em học sinh gặp nguy hiểm mỗi khi trời mưa qua cầu, Ban giám hiệu nhà trường cử giáo viên đưa các em qua cầu an toàn rồi mới được về nhà”.

 

Những “con ong” của núi rừng


Khó khăn là thế, nhưng chính tình yêu thương của các em học sinh và sự quý trọng của dân bản là động lực giúp các thầy cô giáo ở đây bám trường, bám bản đưa cái chữ đến với các em học sinh nơi miền sơn cước.


Cô Hoàng Thị Hương Huế, giáo viên tại khu lẻ trường tiểu học Trung Sơn, huyện Yên Lập, nhớ lại: Ngày mới ra trường lên đây nhận công tác, mấy chị em rất xót xa vì cuộc sống của đồng bào nghèo khó. Thương nhất là các em học sinh nhỏ, trời lạnh như thế mà toàn mặc quần áo rách, đi bộ bằng đôi chân trần đến lớp. Vào mùa nương, lũ trẻ lại trốn học theo mẹ lên rừng hoặc phải ở nhà chăn trâu, giữ em. Để duy trì sỹ số, các cô đã nghĩ ra các trò chơi, dạy múa, hát nhằm kéo học sinh đến lớp...


Cô giáo Hiền, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Yên Lãng, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn, cho biết: Hàng năm vào mùa mưa bão, giáo viên, học sinh đi dạy và học vất vả lắm. Giáo viên cắm bản dạy cách nhà chưa đến chục cây số, nhưng cũng phải ở nhờ nhà dân đến cuối tuần mới về. Học sinh nhiều nơi cũng phải trọ học đến hết mùa mưa bão mới có thể tự đi về được.


Các em học sinh tại xóm Cú, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn dường như được tiếp thêm sức mạnh, ý chí theo con chữ bởi chính cái tâm và sự nhiệt huyết của các cô giáo cắm bản trường mầm non Mỹ Thuận I. Cô Hà Thị Thi, giáo viên trường mầm non Mỹ Thuận I, người con của dân tộc Mường tâm sự: Các em học sinh thiếu thốn đủ thứ. Tôi chỉ mong rằng, với sức lực nhỏ bé của mình sẽ giúp các con có cái chữ, học lên cao để giúp dân bản ngày càng no ấm hơn... Phần thưởng của các thầy cô giáo cắm bản và bản làng nơi đây chính là những mầm xanh tương lai đang vươn cao từng ngày.


Những con mắt trong veo, nụ cười đầy hồn nhiên của các em học sinh vùng cao và tình yêu thương của các thầy cô giáo cắm bản như tiếp thêm sức sống mới cho những bản làng nơi ngút ngàn núi rừng. Khó khăn là vậy nhưng tình cảm của các thầy cô giáo là động lực để các em chăm ngoan, học tập. Rồi một ngày mai, chính các em sẽ mang cái chữ trở về dạy học cho những học sinh nơi bản làng xa xôi - đó không chỉ là ước mơ của Sùng A Páo, học sinh lớp 5 ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc (huyện Tân Sơn) mà còn là ước mơ của ngành giáo dục các huyện vùng cao tỉnh Phú Thọ.


Bài và ảnh: Vũ Bắc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN