Hiệu quả tái cơ cấu
Theo ông Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng và Tài chính thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, hội nhập đặt ra cơ hội rất lớn cho hệ thống NH khi tổng số các giao dịch thanh toán, trung chuyển về vốn sẽ tăng lên trong thời gian tới. Ngay cả việc khi hội nhập, các ngân hàng nước ngoài sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho các TCTD trong nước gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, khi hội nhập, các TCTD sẽ hoạt động kinh doanh, cạnh tranh và lớn mạnh trong một sân chơi công bằng và bình đẳng hơn, môi trường pháp lý sẽ được cải thiện để phù hợp với các cam kết quốc tế nên sẽ khuyến khích các luồng vốn chảy vào trong nước thông qua đầu tư nước ngoài. Mặt khác, nhờ hội nhập, các TCTD Việt Nam có cơ hội tiếp cận vốn, công nghệ, kinh nghiệm và trình độ quản lý của các TCTD phát triển trên thế giới. Theo đó, việc cơ cấu lại ngành ngân hàng là lộ trình đúng đắn mà NHNN đã thực hiện.
Giai đoạn tiếp theo của tái cơ cấu các tổ chức tín dụng là phải hướng tới mục tiêu hội nhập, phát triển với quốc tế. |
Thực tế cho thấy, sau hơn 3 năm số lượng TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép; môi trường kinh doanh, tài chính lành mạnh hơn, thanh khoản được thông suốt cùng với ổn định tỷ giá, lãi suất; nợ xấu của các NH đã giảm dưới 3%… Trong đó, nổi bật nhất là việc mua bán và sáp nhập (M&A) các NH và việc NHNN mua lại các NH với giá 0 đồng. Cụ thể, năm 2015 vừa qua, làn sóng M&A NH đã nóng lên với hàng loạt các thương vụ như MHB - BIDV, PG Bank - Vietinbank, Mekong Bank - Maritime Bank, Sacombank-Southern Bank, hay những NH GPBank, NH Xây dựng, Ocenbank… được NHNN mua lại với giá 0 đồng.
Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết, M&A NH là chủ trương lớn của Chính phủ và NHNN, giúp NH sau sáp nhập tăng trưởng vượt bậc về quy mô, tăng trưởng về tổng tài sản, vốn điều lệ, mạng lưới chi nhánh trải rộng, số lượng khách hàng, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực mạnh hơn đồng thời tiết kiệm về thời gian và chi phí cho các bên tham gia M&A.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Mặc dù Đề án 254 có nhiều hiệu quả đáng khích lệ, nhưng TS Bùi Quang Tín vẫn cho rằng vấn đề quan trọng là hiệu quả phát huy của NH sau M&A. Với BIDV, có thể được xem tương đối thuận lợi do cả hai NH đều do nhà nước nắm giữ tới trên 90% vốn cổ phần nên quá trình sáp nhập diễn ra khá suôn sẻ. Và sau gần hai tháng triển khai, đến nay chưa bộc lộ một trục trặc đáng kể nào.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đặt ra mục tiêu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua việc thực hiện bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, năng lực và hiệu quả hoạt động thanh tra giám sát, đổi mới công tác điều hòa lưu thông tiền mặt. |
Nhưng trong trường hợp của Sacombank-Southern Bank, trước khi sáp nhập, tỷ lệ nợ xấu của Southern Bank đã ngày một tăng mạnh. Theo Báo cáo Kiểm toán Nhà nước công bố ngày10/7/2015 dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thực tế tại Southern Bank tại thời điểm ngày 30/6/2012 là 45,6%, tháng 11/2013 lên tới 55,31%. Như vậy, việc xử lý nợ xấu ít nhiều sẽ làm chậm quá trình phát triển đang rất tích cực của Sacombank. Theo đó, Sacombank dự kiến trích lập 3.109 tỷ đồng năm 2016 và 5.200 tỷ đồng cho năm 2017.
Cũng theo TS Tín, mặc dù gia tăng số lượng thương vụ M&A nhưng mục tiêu giảm tổng số lượng NHTM hiện nay từ 35 ngân hàng xuống còn 15-17 NH vào năm 2017 vẫn là một thách thức rất lớn. Ngoài ra, sự thành công của mỗi thương vụ sáp nhập giữa các NH phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song trên hết là lợi ích tạo ra cho hai bên, cho nền kinh tế, cho xã hội. “Nếu chúng ta muốn hình thành nên những NH có tầm cỡ ngang các NH khu vực, thì phải hết sức thận trọng trong cách đánh giá tiền sáp nhập cũng như chiến lược điều hành của ngân hàng hậu sáp nhập, chứ không đơn thuần chỉ là bài toán 1 cộng 1 bằng 2”, TS Tín nói.
TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV, kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách để tiếp tục ổn định tình hình tài chính, có định hướng và hỗ trợ hệ thống NH nhằm tận dụng cơ hội trong hội nhập. Cùng với đó, các TCTD cần xây dựng và thực hiện kế hoạch bán cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính và các cổ đông chiến lược nước ngoài, tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết, áp dụng quản lý rủi ro theo Basel 2 đúng lộ trình.
Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, hiện mức sinh lời của các NHTM còn thấp, quy mô vốn nhỏ và hệ số an toàn vốn chưa cao. Bên cạnh đó, năng lực quản trị còn nhiều hạn chế nên hội nhập có thể làm gia tăng bất ổn cho thị trường và hệ thống tài chính. Do đó, để tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước cần xác định lộ trình cho phép giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước của các NHTM xuống 51% để các ngân hàng chủ động hơn cũng như phát tín hiệu với thị trường. Bên cạnh đó, việc nới giới hạn sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài lên trên mức 30% cũng cần được cân nhắc để tạo điều kiện thu hút đầu tư trong bối cảnh nguồn lực tài chính trong nước còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, Nhà nước cần xây dựng 1 đến 2 NHTM có tầm cỡ khu vực, làm trụ cột tăng sức cạnh tranh cho toàn hệ thống.