Chỉ trong 8 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, một số tỉnh, thành phố phía Bắc đã ghi nhận tới 270 ca mắc sốt phát ban nghi sởi. Tại sao năm nay, dịch sởi “nóng” hơn thường lệ và cần làm gì để hạn chế dịch bệnh lây lan?
GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Báo cáo của Bộ Y tế khẳng định dịp nghỉ Tết ghi nhận hàng trăm ca sốt phát ban nghi sởi; nhưng sau đó, một vài địa phương có tên trong bản đồ dịch lại phản ánh những ca sốt phát ban trên địa bàn không phải do mắc sởi. Vì vậy, xin GS cho biết cụ thể về tình hình dịch sốt phát ban từ đầu năm đến nay?
Tính từ đầu năm 2014 đến nay, dịch sởi xảy ra chủ yếu ở một số tỉnh như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với tổng số ca bệnh được khẳng định mắc sởi đã được xét nghiệm là 203 ca. Bệnh xảy ra chủ yếu trước dịp nghỉ Tết Nguyên đán và chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tại sao dịch sởi lại “nóng” sau 3 năm vắng bóng, đặc biệt đến nay đã có 2 ca tử vong? Tình hình dịch bệnh liệu có diễn biến phức tạp hơn không?
Theo tôi, tình hình dịch không có gì đáng lo ngại vì vắcxin sởi đã được triển khai từ nhiều năm nay với tỷ lệ tiêm chủng cao, gồm cả tiêm chủng thường xuyên và tiêm chủng chiến dịch. Do đó, đa số trẻ em đã có miễn dịch. Trong thời gian qua, từ tháng 4/2013 dịch sởi xảy với quy mô nhỏ, tản phát, rải rác ở một số tỉnh và đã được kiểm soát sau một thời gian ngắn. Từ đầu năm 2014 đến nay, dịch xảy ra ở quy mô nhỏ ở một số tỉnh khác chủ yếu trước dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Những năm gần đây, đặc điểm dịch tễ học phân tử của virút sởi ở Việt Nam không có gì thay đổi. Bệnh sởi vẫn có tính chu kỳ từ 3 - 5 năm.
Ngành Y tế tỉnh Bình Dương triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Bệnh thường xảy ra ở những trẻ chưa được tiêm, hoặc mới tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, hoặc đã được tiêm mà vì một lý do nào đó trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt, hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ chưa tiêm vắcxin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi trong cộng đồng tích lũy số trẻ chưa có miễn dịch đủ lớn thì sẽ xảy ra dịch.
Sở dĩ bệnh xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc vì ở khu vực này, đặc biệt vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắcxin không cao như các khu vực đồng bằng và thành phố khác do có nhiều khó khăn về địa dư và văn hóa.
Dịch sởi lây lan như thế nào? Người dân cần làm gì để phòng bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan? Khi nào cần đến cơ sở y tế ngay để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc, thưa GS?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút sởi gây ra. Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng.
Dự kiến từ tháng 10/2014, với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu vắcxin và tiêm chủng (GAVI), Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai tiêm chiến dịch vắcxin sởi - rubella cho tất cả trẻ em Việt Nam từ 1 - 14 tuổi, nhằm dự phòng và tiến tới loại trừ sởi - rubella ở Việt Nam trong tương lai.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ |
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng.
Bệnh sởi rất dễ lây lan và thường gây thành dịch. Tác nhân gây bệnh là virút sởi. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 - 18 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bất cứ ở lứa tuổi nào nếu chưa mắc sởi hoặc chưa được tiêm vắcxin sởi, chưa có kháng thể chống lại virút sởi, thì đều có khả năng mắc bệnh sởi.
Tiêm vắcxin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vắcxin. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài ra trẻ cần được nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường. Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Khử trùng và vệ sinh thông khí, thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học...
Khi trẻ mắc bệnh sởi, cần cách ly và chăm sóc y tế bệnh nhân trong 7 ngày kể từ khi phát ban. Để trẻ nằm trong buồng thoáng khí, không nên kiêng khem quá mức, vệ sinh răng miệng và thân thể cho trẻ. Nhỏ mũi, mắt cho trẻ bằng dung dịch nước nhỏ mắt mũi 3 - 4 lần/ngày. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước quả và Vitamin B1, C liều cao.
Trường hợp bệnh nhân sởi có dấu hiệu biến chứng (viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não...) đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng thì phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời.
Xin cảm ơn GS!
Phương Liên (thực hiện)