Tối 19/7, một nghị quyết mới do phương Tây soạn thảo đề nghị trừng phạt Xyri đã bị Nga và Trung Quốc phủ quyết tại cuộc bỏ phiếu của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Đây là lần thứ 3 trong vòng 9 tháng, Nga và Trung Quốc sử dụng quyền phủ quyết của thành viên thường trực HĐBA LHQ để bác bỏ nghị quyết về Xyri.
Khói lửa bao trùm đường phố ở thủ đô Đamát ngày 18/7. |
Hãng tin AFP (Pháp) cho biết, dự thảo nghị quyết này, do Anh soạn thảo và được Mỹ, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha ủng hộ, đề nghị áp đặt lệnh trừng phạt phi quân sự đối với Xyri theo Chương 7 Hiến chương LHQ nếu chính phủ của Tổng thống Xyri Bashar al-Assad không rút vũ khí hạng nặng khỏi các thành phố trong thời gian 10 ngày. Nhưng ngay từ khi mới ra đời, dự thảo nghị quyết này đã bị Nga và Trung Quốc cho là “không công bằng” và “không thể chấp nhận được”.
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu của HĐBA LHQ, Đại sứ Nga tại LHQ Vitalyu Churkin đã cáo buộc các nước phương Tây muốn lợi dụng nghị quyết của HĐBA LHQ để can thiệp quân sự vào Xyri. Đại sứ Nga cho rằng, nghị quyết này sẽ “mở đường cho việc áp đặt trừng phạt và xa hơn nữa là can thiệp quân sự vào các vấn đề nội bộ của Xyri”.
Giao tranh lan rộng ở Đamát
Trong khi đó, tình hình Xyri đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Tại thủ đô Đamát ngày 19/7, giao tranh dữ dội đã nổ ra ngay gần tòa nhà trụ sở chính phủ Xyri. Bạo lực cũng bùng phát ở các vùng ngoại ô phía nam và đông bắc, cũng như tại các khu vực trung tâm là Mezze và Kafar Souseh.
Phe đối lập Xyri đã phát động tấn công diện rộng nhằm vào quân đội trung thành với Tổng thống Assad. Lực lượng Quân đội Xyri tự do thuộc phe đối lập tuyên bố, “một trận chiến lớn hơn” nhằm giành Đamát đã bắt đầu và sẽ áp dụng nhiều thủ đoạn tấn công mới để đánh chiếm các vị trí chiến lược.
Trong khi đó, quân đội triển khai nhiều xe bọc thép, tăng cường chặn các tuyến đường trên khắp thành phố Đamát.
Hàng trăm gia đình đã tìm cách bỏ chạy khỏi các địa điểm giao tranh song rất khó khăn bởi xung đột đã lan khắp Đamát. Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin an ninh Xyri cho biết quân đội nước này yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực điểm nóng trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Căng thẳng ở Đamát leo thang sau vụ đánh bom nghiêm trọng nhằm vào Cục An ninh Quốc gia Xyri ngày 18/7 làm thiệt mạng 4 quan chức an ninh hàng đầu của Xyri gồm Bộ trưởng Quốc phòng Daoud Rajha, Thứ trưởng Quốc phòng Assef Shawkat (đồng thời là anh vợ Tổng thống Assad), Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim al-Shaar và Trợ lý Phó tổng thống - cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hasan Turkmani.
Trái ngược với những thông tin trước đó cho rằng vụ đánh bom nói trên là một vụ đánh bom liều chết do một vệ sĩ bảo vệ vòng trong của Tổng thống Assad thực hiện, một số nguồn tin tiết lộ một quả bom 40 kg được giấu trong phòng họp của các bộ trưởng Xyri tại trụ sở An ninh Quốc gia đã phát nổ qua một thiết bị điều khiển từ xa.
Về sự vắng mặt bất thường của Tổng thống Assad sau vụ tấn công trên, một số nguồn tin báo chí trong khu vực nói rằng, ông Assad bị thương và đã được chuyển đến tư dinh ở ngoại ô thành phố Latakia để điều dưỡng. Tuy nhiên, cuối ngày 19/7, AFP dẫn một nguồn tin thân cận với Tổng thống Xyri cho biết, ông Assad vẫn bình thường và đang có mặt tại Dinh tổng thống ở thủ đô Đamát. Ngày 19/7 ông đã chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Bộ trưởng Quốc phòng Fahd al-Freij.
Cùng ngày, Cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin về chính sách ngoại giao, ông Yuri Ushakov cho biết, Nga chưa thảo luận về khả năng để Tổng thống Assad tị nạn ở Nga, khẳng định ông chưa thấy có bất cứ kế hoạch nào về việc để nhà lãnh đạo Xyri đến Mátxcơva.
Ngay sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào Cục An ninh Quốc gia Xyri, quân đội nhiều nước trong khu vực ngày 19/7 đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Các lực lượng Mỹ trong khu vực, Ixraen, Gioócđani, Arập Xêút, Irắc và Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao do lo ngại về những phản ứng của phe chính phủ Assad. Mỹ đã tiến hành các cuộc tham vấn khẩn để đánh giá diễn biến của cuộc khủng hoảng Xyri và phản ứng của ông Assad, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak đã triệu tập khẩn cấp các quan chức tình báo và an ninh để thảo luận về tình hình Xyri. Trong khi đó, Thủ tướng Irắc Nuri al- Maliki đã chỉ thị thành lập một ủy ban giúp đưa công dân Irắc ở Xyri về nước.
Liên quan đến tình hình Xyri, trong cuộc hội đàm ngày 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã bày tỏ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Xyri. Hai nước ủng hộ việc nhân dân Xyri tự quyết định lấy tương lai của mình và giải pháp hòa bình do Nhóm hành động quốc tế về Xyri thông qua tại Geneva ngày 30/6 vừa qua, trước hết đòi các bên xung đột tại Xyri chấm dứt ngay bạo lực và đối thoại chính trị nhằm thỏa thuận các biện pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại nước này.
Minh Hạnh (Tổng hợp)