Chẳng biết tôi có thiên vị mà cho rằng nơi đất Thăng Long - Hà Nội này - đi suốt chiều dài của không gian, thời gian, vẫn sinh thái, vẫn lưu tồn thứ Thổ - Ngơi - thu thật riêng, thật ý vị và sang trọng.
Anh bạn tôi - Anh Cao Thắng là trưởng ban chương trình Đài Truyền hình Hà Nội. Chiều nay Thắng ngồi cùng tôi, hai đứa vung vinh rượu ốc Tây Hồ.
Tôi giãi bầy và bộc lộ, rằng: Hình như mùa thu dịu dàng mà đích thực, mà ám ảnh lòng người - không phải ba tháng đâu! Thu Hà Nội chỉ thực sự xao xuyến và mê hoặc lòng người ta, có lẽ chỉ mươi mười lăm ngày. Có lẽ ông Giời cũng làm phép thử cho sự tinh tế đón nhận, rung động của những tâm hồn Thăng Long - Hà Nội - Nghệ thuật. Bởi, hình như trong những khoảnh khắc đón nhận ấy, con người mới thấy hết được thế nào là tinh khiết, thế nào là trong trẻo. Thế nào là trong. Là êm. Là mang mang cao rộng…
Anh bạn tôi đột ngột, hứng khởi mà giao hòa, lại tự cảm nhận bổ sung: Anh ạ! Đã là thu Hà Nội, như chiều nay, anh em mình ngồi ở quán cóc. Ta cùng uống rượu pha hương cốm Hồ Tây, mới khoái. Vì, chiều nay, mới có gió, có hương. Lại thêm chút nắng thu cuối ngày.
Trong tôi, chợt mang mang liên tưởng đi về. Tôi gieo trong lòng mình một thoáng thương - nhớ! Một thoáng bâng khuâng - đa tình: Sài Gòn có thu không nhỉ? Sài Gòn giờ này có mưa nhanh và tạnh nhanh không? Sài Gòn sắp lên đèn - rực rỡ muôn hoa - đèn. Chao! Sài Gòn - “Hòn ngọc Viễn Đông” của một thời chưa xa…
*
* *
Hình như có tiếng chim Sâm Cầm vỗ cánh, vỗ nước Tây Hồ. Ngâm nga giai điệu của khúc tình thu Trịnh Công Sơn: “Đàn Sâm Cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời”.
Tôi ngất ngây trong men rượu cốm mà lẫn lộn. Hình như Duyên - Khí của đất trời thu, khiến tôi cũng như bảng lảng theo gió. Theo chút nắng thu mong manh ảo diệu. Bình minh hay hôn hoàng của những vần thơ xưa, cất lên từ đất này, xứ này:
“Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái - Mặt gương Tây Hồ”
Những con gió thu Tây Hồ mơn man, giăng mắc thịt da mà dậy sóng nỗi niềm. Con gió se se; ngọt ngào đưa tới chạnh lòng, chạnh nhớ tới miền đất Phương Nam - xa Hà Nội tới ngàn cây số…
Mới hay, thu đất Bắc - thu Hà Nội là Một - Mùa - Đẹp - Buồn. Thu đẹp. Lại qua nhanh. Cứ như gót chân hồng hồng, thon thon của thiếu nữ qua đường, ngang đường - Nhớ lắm. Tiếc lắm. Tôi đọc ngâm đủ nghe cho mình những lời thơ thu trong giai điệu nhẹ, thoảng như chút gió thu về lẩn quấn và vương vấn đâu đây:
Ơ kìa! Em - Áo trắng
Tan trường mưa lương vương,
Thoảng mùi hương con gái
Nâng gót thu sang đường
Chẳng biết có nghe được không hay chỉ là nổi cơn hâm - Thi sĩ, Cao Thắng đứng phắt lên đọc thơ từ điện thoại di động, (thảo nào từ nãy hắn vẫn bấm bấm, nhoay nhoáy…)
Hẹn nhau một chiều thu mềm quá
Xích lại gần mà xa cứ xa
Tứ thơ chợt ùa về dào dạt
Mùa thu nào chả giăng mắc lòng yêu
Té ra, còn một thực tế - như một thứ quy luật muôn đời của sáng tạo nghệ thuật. Mà, có lẽ nhất là sự sáng tạo trong địa hạt thơ - ca. Chẳng có gì mới khi phát ngôn rằng: Thơ chất chứa nội tâm mà bùng phát trong hứng khởi chủ quan - Lãng mạn. Cái hứng đượm màu sắc chủ quan ấy, nhiều khi lấn át, xâm lăng cả thực thể ngoại giới.
Dẫu ngất ngây pha chút tây tây trong men rượu cốm Tây Hồ. Dẫu khoảnh khắc hạnh phúc trong bạn bầu thơ phú. Tôi bỗng gai gai người mà chợt nghe ru lòng mình, tình mình về với thực tại, về với nỗi niềm thật trong đời sống, trong nhịp sống của Hà Nội - Hôm nay.
Một nét đẹp thủy chung của con người đất Việt chính là tấm lòng yêu thương, xúc động khi hướng vọng tới thiên nhiên - Đất nước. Dẫu cho thiên nhiên ấy chẳng mấy kì vĩ, hoành tráng như ở xứ Người. Thiên nhiên đất Việt, mùa thu đất Việt mang chứa, tiềm ẩn một nét đẹp rất riêng, thật riêng: giản dị trong thanh sơ; mộc mạc mà tao nhã, kín thầm… Vẻ đẹp riêng ấy ắt chẳng bao giờ tàn phai theo thời gian lặng thầm mà nghiệt ngã chảy trôi… Vẻ đẹp riêng ấy - Một điều chắc chắn sẽ không bao giờ lạt phai trong tâm trí trong cảm hứng thi sĩ của những người dân trên “Đất nước hình tia chớp” (Trần Mạnh Hảo) này. Cứ thanh thản mà ngạo nghễ, mà kiêu hãnh .
Thu đến, thu đi - Lẽ thường tình, điều tất yếu định hình của quy luật tự nhiên, cái bắt rễ, đọng tồn vĩnh hằng trong lòng người dân Việt phải chăng là cái tình nghĩa không đổi thay với tình yêu thiên nhiên xứ sở của mình. Và, có cái gốc thiện căn, thiện mỹ, thiện tình ấy, người dân đất Việt xưa sau sẽ bất chấp mà vượt lên, vượt qua mọi biến động, thăng trầm…
*
* *
Hai đứa tôi, mỗi người đang theo đuổi, xa, gần, theo cái cách cảm, cách nghĩ của mình.
Gió thu từ chiều sang đêm thế này. Khí thu thanh khiết, thơm tho thế này. Nước Hồ Tây sóng sánh, mang mang thế này. Thấp thoáng những tà áo trắng thanh tân thế này… Hỏi rằng có ai nỡ chối từ. Ai nỡ bỏ qua.
Riêng tôi, tôi lại tự dắt tình đa mang (mà có lẽ cả tham lam nữa chứ!) tới miền đất thật xa, mà cũng thật gần, thật thương - đất Sài Gòn, phương Nam. Thế rồi, tôi lại bâng quơ, tha thiết - Theo kiểu “vơ vào”: Nếu Sài Gòn… có thu.
Trần Trung