Thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) là nơi tập trung sinh sống của 55 hộ dân người dân tộc Dao Tiền. Nhiều năm qua, người Dao Tiền nơi đây rất quan tâm, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.
Độc đáo trang phục truyền thống của người Dao Tiền
Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền ở Tuyên Quang. |
Thôn Vàng Ngược, những ngày đầu xuân, hoa ban nở trắng rừng, trên con đường vào thôn, những cô gái người Dao Tiền khoác trên mình bộ trang phục truyền thống với những bộ cúc bạc hình con bướm, dây xà tích có đeo nhiều quả chuông bằng bạc cùng nhau du xuân.
Đến thăm nhà bà Chu Thị Liên, dân tộc Dao Tiền, Hội trưởng hội phụ nữ thôn Vàng Ngược chúng tôi có dịp chuyện trò với chị em đang dạy những cô gái đến tuổi “cập kê” cách thêu thùa, may áo, chuẩn bị cho mình bộ trang phục truyền thống về nhà chồng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Liên cho biết: Con gái Dao Tiền trước khi đi lấy chồng phải có một bộ trang phục truyền thống do bố mẹ sắm cho hoặc phải tự thêu cho mình. Để làm ra một bộ quần áo truyền thống của người Dao Tiền phải mất hơn 1 năm mới hoàn thành, các cô gái phải tự trồng bông, dệt vải, nhuộm chàm… công đoạn khó nhất và mất nhiều thời gian nhất là thêu những họa tiết hoa văn trên áo, thêu “nối màu” ở gấu áo. Ở thôn Vàng Ngược, gia đình nào cũng phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống để “diện” trong những dịp lễ, tết, khi có phiên chợ.
Giới thiệu về trang phục truyền thống của dân tộc mình, bà Liên cho biết: Trang phục của phụ nữ người Dao Tiền được làm rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian, họa tiết đặc trưng thêu trên áo là hình con chó cách điệu và bông hoa tám cánh. Người Dao Tiền quan niệm rằng mặc bộ trang phục truyền thống có thêu hình con chó cách điệu và hoa tám cánh khi đi rừng sẽ không bị hổ vồ và gặp nhiều may mắn. Trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền còn có thêm 9 bộ cúc bằng bạc và “hoa sau lưng” (một sợi dây đeo 7 đồng xu bằng bạc vắt ra sau lưng), đi kèm với trang phục là khăn đội đầu và dây xà tích bằng bạc, trên dây xà tích có treo nhiều vật dụng được làm bằng bạc rất tinh xảo như; hộp đựng vôi để ăn trầu, hình con cá lớn, cá nhỏ (tượng trưng cho cuộc sống sung túc), những quả chuông bằng bạc…gia đình giàu có thì dây xà tích lớn hơn và nhiều vật dụng hơn. Bà Liên cho biết thêm: Chúng tôi dạy cách may vá, thêu thùa để con, cháu có thể tự tay làm ra những bộ áo, váy và mong muốn chúng không quên “hồn” của dân tộc mình, đó cũng là cách để lưu giữ văn hóa truyền thống cho thế hệ sau.
Hát Páo dung và lễ “xé ma” của người Dao Tiền
Vào tháng giêng và tháng 8 âm lịch là mùa hát Páo dung của người Dao Tiền ở Tuyên Quang, đây là cơ hội để các chàng trai và cô gái tìm hiểu, yêu nhau rồi tiến hành làm đám cưới. Nếu cả hai hợp nhau thì chỉ sau một mùa hát Pao dung chàng trai có thể đến nhà cô gái xin ở rể. Nếu chưa hợp nhau thì chàng trai và cô gái sẽ hẹn đến mùa hát sau để tìm hiểu nhau kỹ hơn.
Ở thôn Vàng Ngược, ai cũng biết mối tình giữa anh Lý Văn Sơn và chị Chu Thị Bình, cả hai người đều là những người hát Páo dung giỏi nhất thôn. Chỉ sau một mùa hát, anh Sơn đã cảm phục được trái tim của chị Bình bằng những câu hát ngọt ngào tình tứ vừa sâu sắc vừa tế nhị, kín đáo. Ví dụ: Chàng trai hát: Thấy bông hoa nở bên bờ kia/Muốn sang hái mà không có thuyền. Cô gái đáp: Anh muốn ngắt đừng lo anh ạ/Hái lá làm thuyền bơi sang lấy.
Ngoài hát Páo dung để giao duyên, người Dao Tiền ở Tuyên Quang còn hát những làn điệu Páo dung có nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, hát răn dạy…người hát sẽ ứng khẩu tại chỗ theo các làn điệu truyền thống.
Theo phong tục của người Dao Tiền, đôi nam, nữ yêu nhau sẽ làm lễ cưới sau khi chàng trai hết hạn ở rể trả ơn cho bố mẹ cô gái đã có công sinh thành dưỡng dục vợ mình, thời gian ở rể thường từ 1 năm rưỡi đến 2 năm. Trong lễ cưới, họ sẽ làm lễ “xé ma” khi đó cô dâu sẽ chính thức trở thành người nhà chú rể. Tục “xé ma” là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của người Dao Tiền vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.
Để làm lễ “xé ma” chàng trai sẽ mang lễ vật đến nhà cô gái. Lễ vật gồm: 1 con lợn, 30 bánh dày (1 bánh dày to có 4 bánh dày nhỏ, bánh dày to tượng trưng cho mẹ, bánh dày nhỏ tượng trưng cho các con), một ít muối trắng được gói trong lá dong quấn ngoài bằng dây chỉ đỏ để tạ ơn những người đã khuất. Nhà cô gái sẽ mời thầy cúng về nhà, cô gái, chị gái đầu lòng của cô gái cùng bà mối sẽ ngồi tại mâm cúng, lễ “xé ma” diễn ra cho đến sáng. Sau khi kết thúc lễ “xé ma” gia chủ sẽ trả ơn thầy cúng một chiếc thủ lợn và một đùi trước của lợn, thời điểm này cô gái đã chính thức trở thành người nhà chàng trai. Ngày nay, lễ “xé ma” của người Dao Tiền đã có nhiều giản lược, những người tham gia lễ “xé ma” không phải quỳ lạy cả đêm nữa mà chỉ hành lễ mang tính chất tượng trưng.
Đời sống kinh tế của người Dao Tiền ở thôn Vàng Ngược đã có nhiều khởi sắc cũng từ đó mà những nét văn hóa truyền thống được gìn giữ cho đến ngày hôm nay. Mặc dù những phong tục, nghi thức đã được cải tiến gọn nhẹ hơn để phù hợp với cuộc sống mới nhưng vẫn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa giàu tính nhân văn góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Quang Cường