Để nâng cao chất lượng tín dụng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Bình Định đã có cách làm sáng tạo trong việc củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở.
Người dân giao dịch với NHCSXH tại trụ sở UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. |
Với chức năng mang nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với các hộ nghèo, hộ chính sách, các món cho vay của NHCSXH rất nhỏ lẻ, đối tượng thường ở vùng sâu, vùng xa. Hay nói cách khác là rủi ro tiềm ẩn lớn nên các ngân hàng thương mại không mặn mà đưa vốn đến giao dịch tận xã như NHCSXH. Chính vì vậy, NHCSXH đã có phương thức cho vay đặc thù là ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Ở cấp cơ sở là các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) trực thuộc các đoàn thể cấp xã. Từ các buổi sinh hoạt tổ TKVV, các chủ trương chính sách của Nhà nước được phổ biến công khai, việc bình xét cho vay minh bạch và dân chủ. Và để nâng cao hiệu quả đồng vốn cho vay, ngăn chặn tình trạng xâm tiêu, cho vay sai đối tượng, bên cạnh sự sâu sát của cán bộ tín dụng thì việc củng cố các tổ TKVV giữ vai trò hết sức quan trọng.
19 giờ tối một ngày giữa tháng 5/2012, chúng tôi có dịp dự buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng cùng tổ TKVV thôn Định Tam (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) ở nhà văn hóa của thôn. Tổ TKVV này thuộc Hội Nông dân xã quản lý. Khi các hộ vay vốn đã có mặt đông đủ, ông tổ trưởng Trần Quang Diệu bắt đầu thông báo công khai tình hình vay vốn của các hộ trong tổ, tình hình sử dụng vốn, thu lãi... Theo đó, tổng dư nợ của 53 hộ trong tổ là 1 tỷ 767 triệu đồng với 6 chương trình của NHCSXH. Việc trả lãi và gốc đến hạn được thực hiện nghiêm chỉnh. Vốn vay sử dụng đúng mục đích, chủ yếu là để chăn nuôi bò, trồng rừng, hỗ trợ sinh viên đi học...
Tại buổi sinh hoạt, nhiều hộ vay vốn cũng kiến nghị một số vấn đề như: ông Lê Xuân Can đề nghị đến hạn thương lái chưa mua heo thì NHCSXH cho gia hạn vài ngày; bà Trần Thị Định vay nuôi bò thì đề nghị đến cuối kỳ bán bò trả lãi cùng gốc một thể; ông Trịnh Văn Đến đề nghị hướng dẫn thêm nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây mới để bà con sử dụng vốn hiệu quả...
Cuối buổi sinh hoạt, đại diện đoàn kiểm tra của NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Định đã tiếp thu và trả lời một số kiến nghị của bà con; đồng thời đánh giá buổi sinh hoạt của tổ TKVV theo 13 tiêu chí.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết: Một trong những giải pháp để chinh nhánh triển khai tốt các chương trình tín dụng là củng cố các điểm giao dịch tại xã và tổ TKVV. Năm 2011, chi nhánh đã đẩy mạnh việc tập huấn các cán bộ hội và các tổ trưởng tổ TKVV, sau đó tổ chức hội thi tổ trưởng tổ TKVV giỏi và tuyên dương thành tích các tổ trưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nối tiếp kết quả từ phong trào thi đua này, năm 2012, chi nhánh đã triển khai thí điểm xây dựng mô hình mẫu điểm giao dịch tại xã, tổ TKVV để làm cơ sở điển hình nhân rộng trên toàn tỉnh.
Theo đó, mỗi phòng giao dịch huyện, chi nhánh tỉnh chọn 1 điểm giao dịch xã và 2 tổ TKVV thuộc hai tổ chức hội khác nhau của xã để triển khai. Các điểm giao dịch xã sẽ có 9 tiêu chí đánh giá, tổ TKVV có 13 tiêu chí (cụ thể hóa, mở rộng thêm 3 tiêu chí so với quy định của NHCSXH Trung ương). Chi nhánh tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác gồm cán bộ chi nhánh và cán bộ hội đoàn thể cấp tỉnh đi kiểm tra giám sát. Điều đặc biệt là các tổ TKVV thường họp vào buổi tối (do ban ngày bà con đi làm) nên các tổ công tác đi giám sát kiểm tra luôn xuất phát lúc... 16 giờ để kịp về thôn dự sinh hoạt tổ cùng bà con.
Theo kế hoạch, sau khi kiểm tra tất cả các điểm giao dịch xã và tổ TKVV mẫu, đến đầu tháng 7/2012, chi nhánh tỉnh sẽ có tổng kết, đánh giá. Tuy nhiên, hiệu quả từ hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát và phát động phong trào thi đua này đã có thể thấy rõ sau mỗi điểm kiểm tra. Các chương trình tín dụng triển khai về cơ sở được công khai, dân chủ, phát hiện và ngăn chặn kịp thời việc chiếm dụng, sử dụng vốn sai đối tượng, mục đích. Người dân được tuyên truyền hiểu thêm về chính sách tín dụn g ưu đãi của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Bài và ảnh: Ngọc Tú