Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức

Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế mà Bộ Nội vụ đưa ra đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Theo Bộ Nội vụ, mục tiêu của bản dự thảo này nhằm đưa những người không đáp ứng được yêu cầu công việc ra khỏi bộ máy hành chính, đồng thời thay vào đó là những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, trách nhiệm, tận tụy phục vụ nhân dân.


Loại “công chức cắp ô”


Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức từ trước đến nay luôn là vấn đề “nóng” nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu quốc hội đã đặt câu hỏi có hay không việc 30% cán bộ, công chức đều đặn lĩnh lương mà chỉ làm mỗi việc “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Mặc dù Tư lệnh ngành Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã phủ nhận con số này và đưa ra tỷ lệ là trên dưới 1% công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ nhưng Bộ trưởng này cũng khẳng định đây là những kiến nghị, mong muốn chính đáng của cử tri, đòi hỏi ngành cần đổi mới cải cách công vụ, công chức nhiều hơn nữa. Để làm được điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cần phải có những biện pháp toàn diện, đồng bộ như xác định vị trí việc làm, hoàn thiện chuyển ngạch đối với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức… và đặc biệt là tinh gọn bộ máy hành chính.

Mục tiêu của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ.


Tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới bởi việc này đã được triển khai trong các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy hành chính Nhà nước từ nhiều năm qua. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng dư luận vẫn có ý kiến cho rằng, trong khi số người cần giảm vẫn chưa thực sự giảm được thì tổng số biên chế lại tăng. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, sau 5 năm thực hiện Nghị định 132 (2007 - 2012), tổng số biên chế cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện tăng thêm 42.000 biên chế (lên 388.480 người); cán bộ, công chức cấp xã tăng thêm 14.000 biên chế (lên 257.675 người). Cũng trong 5 năm qua, có tới hơn 90% cán bộ, công chức tinh giản biên chế thuộc diện đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Điều này cho thấy, chính sách tinh giản biên chế trước đây còn nhiều hạn chế, tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được khắc phục.


Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, khác với những lần thực hiện tinh giản biên chế trước đây chỉ đơn thuần là giảm cơ học, lần này, mục tiêu của tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ. Dự tính có khoảng 100.000 biên chế sẽ được tinh giản trong vòng 6 năm, từ nay đến 2020, trong đó khoảng 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. “Điều quan trọng là đưa ra khỏi bộ máy công vụ những người không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm... Đó chính là công chức “cắp ô” mà dư luận đang nói tới. Đồng thời, có giải pháp thu hút được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức", Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.


Đánh giá độc lập công chức


Đồng tình với quan điểm này, GS. TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, tinh giản biên chế không chỉ đơn giản là “thanh lọc” cán bộ, công chức yếu kém mà quan trọng hơn cả là phải có kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ này. Ông Khiển băn khoăn, với số lượng công chức bị tinh giản, thì từ nay đến năm 2020 có được tuyển dụng bổ sung lực lượng trẻ nữa hay không? “Thực tế những năm qua cũng đã chứng minh muốn tinh giản biên chế thì trước hết phải có đội ngũ biên chế chất lượng cao khi đó mới cắt giảm được số lượng, nếu không, sẽ là ngược lại”, ông Khiển nhận định.


Không tăng biên chế từ nay đến 2016 Về giải pháp cho việc bộ máy Nhà nước ngày càng "phình to", Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định, trước mắt từ nay đến năm 2016 về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức, trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới.

Còn theo TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, mấu chốt của Đề án tinh giản biên chế lần này là đánh giá đúng chất lượng đội ngũ công chức ở từng vị trí việc làm. Như vậy phải có phương thức đánh giá toàn diện và đầy đủ. Từ đó, ông Phúc đề xuất có một tổ chức độc lập đứng ra đảm nhiệm công việc này. “Tổ chức này gồm các chuyên gia, các nhà quản lý chuyên môn để đánh giá khách quan về việc các cơ quan, tổ chức có bố trí công việc hợp lý hay không? Việc đánh giá này sẽ thực hiện song song với đánh giá từ nội bộ của chính các cơ quan. Nếu làm được, chuyện con ông cháu cha không làm được việc nhưng được giữ lại hay việc trù dập, bè phái cũng khó có thể xảy ra”, TS Thang Văn Phúc nhấn mạnh.


Thu Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN