Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt là quan hệ song phương bước vào giai đoạn mới sau cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước hồi tháng trước, Hội nghị Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 5 được dư luận quốc tế quan tâm theo dõi.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) phát biểu tại cuộc đối thoại. Ảnh: thx/TTXVN |
Diễn ra trong hai ngày 10 - 11/7 tại thủ đô Oasinhtơn của Mỹ, sự kiện này được đánh giá là cơ hội đầu tiên để đội ngũ lãnh đạo mới của hai cường quốc tiếp xúc và tiến thêm một bước quan trọng trong việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới.
Chương trình nghị sự của đối thoại năm nay tập trung vào các vấn đề an ninh mạng, chính sách tiền tệ và hợp tác thương mại. Ngoài ra, giới chức hai nước cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề nóng của khu vực và thế giới như tình hình bán đảo Triều Tiên, chương trình hạt nhân của Iran và những diễn biến mới tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, dù còn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng Oasinhtơn và Bắc Kinh có thể tìm ra giải pháp có lợi cho cả hai bên, thông qua các biện pháp hợp tác, đối thoại thẳng thắn và đáng tin cậy.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương nhấn mạnh hội nghị này diễn ra đúng vào điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, với việc thực hiện cam kết mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh hồi tháng trước tại Mỹ: Đó là hướng tới mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới theo hướng tăng cường hợp tác.
Kết quả đáng chú ý nhất mà hai bên đạt được trong ngày đối thoại đầu tiên là tuyên bố về các sáng kiến mới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm không khí. Hai nước đã nhất trí hợp tác tiến hành các biện pháp nhằm cắt giảm khí thải từ các phương tiện giao thông và nhà máy than đá, đồng thời cam kết cùng nhau thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn nguồn năng lượng trong xây dựng, giao thông và công nghiệp. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các kế hoạch thực thi sẽ được đưa ra vào tháng 10 tới.
Không giống các lần đối thoại trước?
Phó Viện trưởng Viện Chính trị học và các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh Trương Thắng Quân cho rằng: Không giống các lần đối thoại trước đây, không khí chính trị hiện nay tại Mỹ vô cùng có lợi cho đối thoại song phương.
Theo ông Trương Thắng Quân, một mặt kinh tế Mỹ đang phục hồi khiến giới kinh tế Mỹ bớt chỉ trích xuất khẩu của Trung Quốc. Mặt khác, qua “vụ Snowden”, Mỹ đã tìm lại được “cảm giác bá chủ thế giới về mặt chính trị”, song cũng cần dè chừng tình trạng “xử lý lạnh” của Bắc Kinh đối với vụ việc trên. Vì vậy, trong lần đối thoại này Mỹ sẽ có thái độ hợp tác thiết thực với các quan chức cấp cao của Trung Quốc.
Trong khi đó, bài viết về quan hệ Mỹ - Trung đăng trên tờ Washington Post của ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ và là cựu Ngoại trưởng Trung Quốc, nhận định: Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung lần này là một nền tảng quan trọng để thực hiện các cuộc trao đổi cấp cao về các vấn đề dài hạn, chiến lược và bao quát.
Theo ông Dương Khiết Trì, nhiệm vụ chính của cuộc đối thoại là thực hiện các thỏa thuận lớn đạt được tại cuộc gặp của lãnh đạo hai nước hồi tháng trước, làm sâu sắc đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ nước lớn kiểu mới.
Ông Dương Khiết Trì cho rằng với nỗ lực chung của cả hai phía, vòng đối thoại này sẽ đưa đến thỏa thuận về nhiều vấn đề hơn, tạo ra các kết quả cụ thể hơn và thúc đẩy các nỗ lực của hai nước nhằm mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác xuyên Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ.
H.H (tổng hợp)