Mỹ tìm cách xoa dịu bất đồng Trung - Nhật

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản ngày 17/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ ngày càng trầm trọng giữa Nhật Bản và Trung Quốc.


Một đại lý ô tô Nhật ở Thanh Đảo (Trung Quốc) bị người biểu tình đốt cháy rụi hôm 16/9. Ảnh: Kyodo/TTXVN

 

Phát biểu sau cuộc họp tại thủ đô Tôkyô với các quan chức cấp cao Nhật Bản, Bộ trưởng Panetta kêu gọi "tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế" trong vụ tranh chấp liên quan tới quần đảo (mà Nhật Bản gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông, vốn đã nhanh chóng leo thang thành các cuộc biểu tình bạo lực chống Nhật tại Trung Quốc từ tuần trước.


Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, một nghị quyết cho vấn đề tranh chấp này phải dựa trên "các quy tắc rõ ràng" và luật pháp quốc tế. Ông Panetta khẳng định, mọi hành động liên quan tới quần đảo tranh chấp này đi quá giới hạn có nguy cơ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.


Trong khi đó, hãng Reuters đưa tin, Trung Quốc ngày 17/9 đã cam kết bảo vệ công dân và tài sản của Nhật Bản, đồng thời hối thúc những người biểu tình chống Nhật bày tỏ quan điểm một cách "có trật tự, hợp lý và hợp pháp". Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cùng ngày cho biết, 11 người đã bị bắt tại thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) liên quan tới các cuộc biểu tình chống Nhật cuối tuần qua.


Nhiều công ty Nhật tạm ngừng hoạt động


Cũng trong ngày 17/9, các công ty lớn của Nhật Bản như Canon, Panasonic, Honda đã thông báo tạm ngừng hoạt động một số nhà máy tại Trung Quốc do lo ngại làn sóng biểu tình, đặc biệt khi có cảnh báo một làn sóng biểu tình mới sẽ diễn ra trong ngày hôm nay, 18/9 - ngày tưởng niệm biến cố Mãn Châu năm 1931 dẫn đến việc phát xít Nhật xâm chiếm vùng đông bắc Trung Quốc. Thông báo của Canon cho biết, 3 nhà máy sản xuất máy ảnh và máy in ở miền đông và nam Trung Quốc đã tạm ngừng hoạt động “nhằm đảm bảo an toàn cho toàn bộ các nhân viên”. Hãng Panasonic cũng cho tạm ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Thanh Đảo, trong khi Honda và Mazda tạm đóng cửa các nhà máy lắp ráp ô tô.


Liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Tân Hoa xã dẫn thông tin trên tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 17/9 cảnh báo kinh tế Nhật Bản có thể bị ảnh hưởng tới 20 năm nếu Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế. Bài báo có đoạn viết: "Kinh tế Nhật Bản không có khả năng miễn dịch trước các biện pháp (trừng phạt) kinh tế của Trung Quốc", đồng thời cho rằng về nguyên tắc, Bắc Kinh phản đối áp dụng trừng phạt kinh tế nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế và sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng biện pháp này.

 

H.H - T.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN