Quân đội Mỹ ngày 3/8 thông báo vừa thử thành công tên lửa đánh chặn có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo và máy bay.
Tàu USS John Paul Jones đã phóng thành công một tên lửa SM6 vào tháng 7 năm ngoái. |
Theo Cơ quan phòng thủ tên Mỹ, tàu khu trục USS John Paul Jones đã tiến hành thử nghiệm công nghệ nói trên ở ngoài khơi Kauai của Hawaii trong tuần qua.
Nữ phát ngôn viên của hãng chế tạo tên lửa Raytheon, Heather Uberuaga cho biết các vụ thử sử dụng phiên bản cải tiến của tên lửa SM-6 đang được hải quân Mỹ sử dụng. Phiên bản mới được thử nghiệm ngoài khơi Hawaii có khả năng bắn hạ máy bay, trực thăng và cả tên lửa đạn đạo.
Mỹ mở rộng trừng phạt đối với SyriaTrong một diễn biến khác cùng ngày 3/8, Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Syria, với mục tiêu nhắm đến là các cá nhân và thực thể cung cấp các sản phẩm năng lượng được chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng.
Theo đó, Bộ tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên 7 thực thể, 4 cá nhân và phong tỏa các tài sản gồm 7 tàu thủy của Syria.
Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của bộ trên nêu rõ: "Nhiều thực thể là những công ty bình phong được Chính phủ Syria và những người ủng hộ sử dụng để né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)".
Trước đó cùng ngày, Nhà Trắng thông báo Washington có thể áp dụng những biện pháp bổ sung để bảo vệ lực lượng chiến binh đồng minh của Mỹ tại Syria, đồng thời cảnh báo chính quyền của Tổng thống Assad không cản trở hành động của lực lượng này.
Theo nhận định ngày 3/8 của tờ "Thời báo Tài chính" (Anh), việc Mỹ quyết định sử dụng không quân để bảo vệ lực lượng nổi dậy Syria cho thấy Nhà Trắng đang tăng cường can dự vào cuộc xung đột kéo dài 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Từ trước tới nay, Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng và miễn cưỡng khi đề cập đến khả năng triển khai các chiến dịch quân sự chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, với việc giới chức Mỹ lo ngại rằng nước này ngày càng lún sâu vào cuộc nội chiến ở Syria.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới quan sát, lực lượng nổi dậy Syria, hiện vẫn đang do Mỹ huấn luyện, đối mặt với nguy cơ bị quân chính phủ tấn công mạnh. Vì vậy, Washington quyết định sử dụng không quân để bảo vệ lực lượng nổi dậy Syria mà họ đã góp phần xây dựng. Quyết định này được Tổng thống Barack Obama thông qua ngay sau khi lực lượng nổi dậy Syria do Mỹ huấn luyện bị tấn công hôm 31/7.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ali Baskey coi lực lượng nổi dậy Syria do Lầu năm góc huấn luyện và trang bị vũ khí là một đối tác trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Như vậy, Mỹ đang có những bước đi cụ thể nhằm tăng cường sự can dự vào cuộc xung đột hiện nay ở Syria.
Phản ứng với quyết định trên của Mỹ, ngày 3/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố bất kỳ cuộc không kích nào của Mỹ nhằm vào quân đội Syria sẽ đều làm phức tạp các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố tại đó.
Phát biểu họp báo ở Qatar, ông Lavrov cho rằng giải pháp cho cuộc chiến ở Syria cần tới cuộc đối thoại của tất cả các bên và IS mới là mối hiểm họa chính tại Syria và Iraq.