Mỹ do thám Phủ Thủ tướng Đức từ đời ông Helmut Kohl

Các mục tiêu do thám của Mỹ tại Đức vừa được trang WikiLeaks tiết lộ cho biết quy mô do thám Chính phủ liên bang Đức của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) lớn hơn rất nhiều những gì đã biết tới nay.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một hội nghị ở Phủ Thủ tướng tại Berlin, bên cạnh lần lượt là ảnh chân dung cựu Thủ tướng Helmut Kohl và cựu Thủ tướng Gerhard Schröder (trái).


Các thông tin được báo chí Đức đăng tải ngày 8/7 cho biết, NSA đã do thám Chính phủ Đức ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi ông Helmut Kohl làm Thủ tướng nước này. Danh sách theo dõi của NSA được WikiLeaks công bố bao gồm 56 số điện thoại, trong đó có hàng chục số là của các quan chức cấp cao Phủ Thủ tướng Đức, kể cả khi Phủ Thủ tướng còn đóng ở Bonn lẫn khi đã chuyển về Berlin.

Những nhân vật bị theo dõi là những phụ tá, cố vấn hàng đầu cho Thủ tướng Đức trong các vấn đề đối ngoại và tình báo, trong đó có các nhân viên cấp cao, các Bộ trưởng thời Thủ tướng Helmut Kohl, Gerhard Schröder cho tới bà Angela Merkel. Đặc biệt, có tới 2/3 số điện thoại trong danh sách được WikiLeaks công bố hiện vẫn đang được sử dụng và rất nhiều số điện thoại có từ thời kỳ trước khi nước Đức tái thống nhất, giai đoạn Chính phủ CHLB Đức vẫn còn ở Bonn. Ngoài số điện thoại di dộng của Thủ tướng Merkel, danh sách theo dõi của NSA còn có số điện thoại nhiều nhân vật thân cận của bà Merkel, trong đó có cả số máy lẻ của Trưởng Văn phòng thủ tướng, bà Beate Baumann; của Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng, ông Peter Altmaier và cả Điều phối viên tình báo Phủ thủ tướng Đức Günter Heiß. Danh sách này còn có cả số điện thoại di động của cựu Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Ronald Pofalla, người cho tới nay vẫn bác bỏ việc Mỹ do thám quy mô lớn ở Đức.

Số điện thoại được đưa vào danh sách theo dõi đầu tiên trong số các quan chức Chính phủ Đức là của ông Johannes Ludewig – Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Vụ 4) Phủ Thủ tướng Đức dưới thời cựu Thủ tướng Helmut Kohl. Các nhân vật trong Chính phủ Đức bị theo dõi trước khi nước Đức thống nhất được NSA ký hiệu là "FRG“ (Cộng hoà Liên bang Đức), trong khi các đời chính phủ sau này được ký hiệu "GE“ (Đức). Sau giai đoạn ông Kohl cầm quyền, Chính phủ Đỏ-Xanh ở Đức giai đoạn 1998-2005 (Thủ tướng Gerhard Schröder) cũng có nhiều nhân vật nằm trong danh sách theo dõi của NSA, bao gồm Cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng, ông Michael Steiner; Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Bodo Hombach và Điều phối viên tình báo Ernst Uhrlau. Ngoài ra, còn có nhiều số điện thoại của các Vụ then chốt trong Phủ Thủ tướng.

Ngoài danh mục theo dõi, như số điện thoại, email,… , NSA còn nghe lén nhiều cuộc điện đàm của Thủ tướng Merkel từ năm 2009-2011. Hiện Phủ Thủ tướng Đức chưa đưa ra phản ứng gì về các thông tin vừa được công bố nêu trên. Mới đây, sau khi các thông tin tình báo Mỹ do thám Phủ Thủ tướng Đức được công bố, Chính phủ Đức đã có động thái mang tính "biểu tượng“ là mời Đại sứ Mỹ tại Berlin tới Phủ Thủ tướng để "nói chuyện“. Giới quan sát cho rằng Berlin trước mắt cũng sẽ không có phản ứng mạnh với các thông tin mới nêu trên do mối quan hệ hợp tác tình báo phức tạp giữa hai bên.

Phát biểu trên báo Đức "Ngôi sao“ ngày 8/7, cựu Bộ trưởng Tư pháp liên bang Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger đã kêu gọi Văn phòng Tổng công tố liên bang Đức vào cuộc điều tra các hoạt động do thám của NSA tại nước này. Bà Leutheusser-Schnarrenberger cũng kêu gọi Thủ tướng Merkel yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức dừng toàn bộ việc do thám Chính phủ Đức, đồng thời sử dụng trục Đức-Pháp để kêu gọi Mỹ tôn trọng luật pháp châu Âu cũng như các nước trong khối. Theo một cuộc thăm dò do Viện Forsa tiến hành, có 58% số người dân Đức được hỏi kêu gọi Văn phòng Tổng công tố liên bang mở lại cuộc điều tra các hoạt động của NSA ở Đức, đặc biệt có tới 59% số ý kiến cho rằng bê bối do thám nhằm vào Chính phủ Đức sẽ không gây tổn hại đáng kể cho mối quan hệ Đức- Mỹ.

Tin, ảnh: Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)
Đức yêu cầu Mỹ giải thích về thông tin do thám mới
Đức yêu cầu Mỹ giải thích về thông tin do thám mới

Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức đã "mời" Đại sứ Mỹ tại Đức tới Văn phòng Thủ tướng để nói chuyện về bê bối do thám vừa được trang WikiLeaks công bố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN