Mỹ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại Ferguson

Chính quyền bang Missouri ngày 17/12 đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp áp dụng tại hạt St. Louis suốt 1 tháng qua, trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối quyết định miễn truy tố cảnh sát bắn chết người thanh niên da màu Michael Brown đã dịu bớt.

Trong thông báo, Thống đốc bang Missouri Jay Nixon gửi lời cảm ơn lực lượng thực thi pháp luật bang và địa phương, các lãnh đạo của bộ chỉ huy và các thành viên của Lực lượng bảo vệ quốc gia bang Missouri đã nỗ lực đảm bảo sự ổn định.

Biểu tình tại New York, phản đối các vụ cảnh sát bắn chết người da màu. AFP-TTXVN.


Tình trạng khẩn cấp được ban bố ngày 17/11, trước khi tòa án hạt St. Louis phán quyết về vụ viên cảnh sát Darren Wilson bắn chết Brown hồi tháng 8 tại thị trấn Ferguson. Biểu tình đã bùng phát ngày 24/11 sau khi tòa án tuyên bố miễn truy tố viên cảnh sát Wilson; nhiều cuộc tuần hành đã biến thành bạo lực. 700 thành viên Lực lượng bảo vệ bang Missouri đã được triển khai ở hạt St. Louis đêm 24/11. Khoảng 1.500 binh sỹ cũng được điều động thêm sau khi biểu tình biến thành bạo động, cướp của và đốt phá gây thiệt hại nhiều khu vực kinh doanh. Nhiều đối tượng quá khích đã bị bắt giữ. Biểu tình tiếp diễn trong những ngày tiếp theo song bạo lực đã giảm bớt.

Trong khi đó, một cuộc tuần hành của các luật sư đã diễn ra tại thành phố New York và các khu vực khác trên nước Mỹ nhằm phản đối các phán quyết của tòa án miễn truy tố những cảnh sát da trắng gây ra cái chết cho những người da màu ở Ferguson và New York.

Tại khu Brooklyn, các luật sư đã tuần hành tới các trụ sở tòa án, văn phòng công tố và trước nhà giam của thành phố. Người tham gia giương cao các tấm bảng phản đối vụ cảnh sát khống chế mạnh tay khiến nạn nhân Eric Garner tử vong.

Ở thành phố Philadelphia, một nhóm các luật sư cũng tham gia cuộc biểu tình tương tự tại Trung tâm xử án hình sự.

Giới chức thành phố New York cho biết đang tìm cách hòa giải với gia đình nạn nhân Garner. Nếu hòa giải thành công sẽ tránh được một vụ kiện kéo dài tại tòa án liên bang.


* Liên quan đến việc chỉnh đốn lực lượng cảnh sát, thành phố Los Angeles ngày 16/12 công bố kế hoạch trang bị camera cài trên trang phục cho 7.000 cảnh sát của thành phố này vào mùa Hè tới. Kế hoạch này sẽ tiêu tốn khoảng 10 triệu USD trong vòng 2 - 3 năm đầu để biến sở cảnh sát Los Angeles thành cơ quan thực thi pháp luật ứng dụng công nghệ lớn nhất nước Mỹ. Theo kế hoạch, hơn 800 camera sẽ được triển khai vào tháng Một tới. Hiện, trên toàn nước Mỹ, trung bình 6 cảnh sát có 1 người đã được trang bị camera cài trên trang phục.

Trong những ngày cuối năm này, nước Mỹ chứng kiến làn sóng biểu tình rộng khắp cả nước phản đối hàng loạt vụ cảnh sát da trắng bắn chết những người da màu mà phần lớn nạn nhân không mang vũ khí. Khi nước Mỹ chưa hết bàng hoàng sau vụ thanh niên da màu Michael Brown bị cảnh sát bắn chết ở thị trấn Ferguson, bang Missouri hôm 9/8, thì tại vùng Phoenix ở bang Arizona, một viên cảnh sát da trắng đã nổ súng vào thanh niên da đen Rumain Brisbon do lầm tưởng đối tượng định rút súng trong túi ra chống cự. Trước đó chưa đầy hai tuần, một cảnh sát da trắng khác đã bắn chết thiếu niên da màu T. Rice, 12 tuổi, khi nhầm tưởng thiếu niên này cầm súng thật đe dọa người đi đường tại một trung tâm giải trí ở Cleveland. Hồi tháng 7, người đàn ông da màu Garner ở New York chỉ vì bị tình nghi bán lẻ thuốc lá lậu đã bị 5 cảnh sát vây bắt, một cảnh sát đã ghì mạnh cổ đối tượng khiến nạn nhân nghẹt thở và tử vong ngay sau đó.


TTXVN/Tin Tức
Lời cảnh tỉnh từ Ferguson
Lời cảnh tỉnh từ Ferguson

Sự kiện Ferguson đã đẩy nước Mỹ rơi vào tình trạng bạo động chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm về những vấn đề mang tính hệ thống tích lũy lâu nay trong xã hội Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN