Mussolini qua lời kể của nhân tình

Mặc dù nhiều vấn đề còn gây tranh cãi và chưa được chứng thực, song trong cuốn hồi ký mới công bố, Clara Petacci - nhân tình của nhà lãnh đạo độc tài Italy Mussolini - đã ghi lại những chi tiết của mối quan hệ gần gũi giữa hai người khiến người đọc không khỏi thấy sốc. Trong cuốn nhật ký này, Mussolini là một người bài Do Thái, nghiện tình dục và “rất thần tượng” Hitler.


 

Chamberlain, Daladier, Hitler, Mussolini và Ngoại trưởng Italia Count Ciano (Từ trái qua phải) trước khi ký Hiệp ước Munich.

 

Mussolini giữ chức vụ Thủ tướng Italia trong vòng 21 năm (1922 - 1943). Cuộc đời, sự nghiệp và tính cách hung tàn của Mussolini đã tái hiện một cách chân thực trong cuốn nhật ký của Petacci. Việc cô công bố cuốn nhật ký khiến dư luận khá ngạc nhiên. “Ngày nay, người phụ nữ đó sẽ bị cáo buộc là theo dõi người khác”, Alessandra Mussolini, cháu gái của cựu độc tài Mussolini nói. Alessandra cũng khẳng định: “Không một chi tiết nào mà Petacci viết về Mussolini là đúng sự thật”.


Tuy nhiên, dư luận không cho là như vậy và họ cho rằng những chi tiết về Mussolini không phải là hoàn toàn không đáng tin.


 

Clara “Claretta” Petacci.

 

Về mối quan hệ giữa Mussolini và Petacci, nhà độc tài này chưa bao giờ đánh giá cao người phụ nữ được cho là duy nhất trung thành với ông ta cho tới tận cuối đời với kết cục cay đắng. Cha Petacci là bác sĩ làm việc ở Tòa thánh Vaticăng. Hồi còn là một thiếu nữ, cô từng gọi Mussolini là một “Lãnh tụ đáng kính” và trở thành tình nhân của ông ta lúc mới 19 tuổi. Năm 1936, cô là người phục vụ thường xuyên được Mussolini để mắt, là người tình duy nhất được cấp lính canh, tài xế và nhà ở khu Palazzo Venezia.


Lúc nắm quyền, Mussolini bị coi là kẻ nghiện tình dục. “Từ khi lên nắm quyền cho đến tận ngày bị tước bỏ quyền lực, 25/7/1943, chiều nào đám thuộc hạ cũng phải mang đến cho ông ta một người đàn bà”, Quinto Navarra - một người hầu của Mussolini, nhớ lại. Những người phụ nữ đó được ghi trong sổ đăng ký là “khách”.


Cuốn nhật ký của Petacci có viết: “Có thời điểm anh có tới 14 người đàn bà”, nhưng Mussolini nói: “Nhưng bây giờ, em là người duy nhất”. Suốt cả đêm 13/3/1938, khi Áo được sáp nhập vào Đế chế Đức, Mussolini gần như thức trắng để thuyết phục Petacci không được ghen, và nỗ lực của ông ta đã thành công. Tuy nhiên, bản thân Mussolini lại là một kẻ cực kỳ ghen tuông. Ông ta cho người theo dõi nhất cử nhất động của Petacci, người kém hắn 29 tuổi.


Petacci thường viết lách để giết thời gian trong khi cô phải chờ đợi Mussolini. Cô viết rất nhanh và nhiều, với gần 2.000 trang chỉ tính riêng trong năm 1938. Viết lách là một “liệu pháp sống” với Petacci, theo chủ báo Mauro Suttora, “bởi vì cô dành cả ngày chẳng để làm gì ngoại trừ sống cho Mussolini”.


Phần lớn nội dung trong cuốn nhật ký của Petacci là những lời lẽ cay nghiệt, chỉ trích vợ của Mussolini; miêu tả về hội chứng nghiện tình dục, thói đạo đức giả và tình yêu si mê mà hắn dành cho cô. Nhật ký có đoạn miêu tả một lần Mussolini đã khóc khi nói đến sự khủng khiếp của chiến tranh ở Tây Ban Nha, nơi 150 đứa trẻ vừa mới bị giết chết trong một vụ ném bom. “Em hãy thử tưởng tượng xem, toàn bộ nhà cửa bị phá hủy, như thể chúng được làm bằng bìa các tông”. Nhưng Petacci biết được đó chỉ là một hành động giả dối của Mussolini vì cô biết ông ta vừa mới ra lệnh tăng cường ném bom.


 

Quảng trường Piazzale Loreto ở thành phố Milan - nơi Mussolini và nhân tình bị xử tử.

 

Sau khi trở về từ Hội nghị Munich năm 1938, Mussolini cho gọi Petacci tới và luyên thuyên kể về Hitler. “Quốc trưởng là người rất dễ chịu”, Mussolini nói với nhân tình. Tuy nhiên, Mussolini đôi chút phật ý bởi những cơn thịnh nộ của Hitler. “Ánh mắt của ông ta nảy lửa, toàn cơ thể run lên và khó khăn lắm ông ta mới kiềm chế lại được. Ngược lại, anh vẫn hoàn toàn bình tĩnh”. Mussolini cho rằng chính ông ta là người đã cứu vãn hội nghị. “Anh luôn là người kéo mọi người trở lại vấn đề đang thảo luận. Do đó, Hitler thực sự yêu quý anh”.


Sau khi kết thúc hội nghị, Mussolini và Petacci đi nghỉ ở một khu nghỉ dưỡng ven biển. Trong lúc đọc lướt qua các tờ báo Pháp, Mussolini đột nhiên nổi cáu và lên tiếng miệt thị người Do Thái, dùng những lời lẽ nặng nề để nói về họ như “đáng bị tiêu diệt tất cả”, hay “tống vào nhà tù”. “Chúng sẽ phải biết quả đấm thép của Mussolini là như thế nào”, ông ta nói.


Năm tuần sau, Mussolini thông qua một đạo luật mới về chủng tộc, trong đó quy định “hôn nhân dị giáo” là không hợp pháp. Khi Giáo hoàng Pius XI phản đối, Mussolini tỏ thái độ giận dữ. “Từ trước tới nay chưa có một giáo hoàng nào gây hại cho tôn giáo như người này. Ông ấy đã đánh mất toàn bộ thế giới”.


Sau khi bị phế truất vào năm 1943, với sự giúp đỡ của Hitler, Mussolini thành lập nhà nước bù nhìn Cộng hòa Salo bên hồ Garda. Khi nước Cộng hòa Salo sụp đổ vào tháng 4/1945, Mussolini đề nghị Petacci cùng chạy trốn sang Tây Ban Nha, nhưng Petacci từ chối. Không lâu sau, thi thể Petacci bị treo ngược bên cạnh thi thể Mussolini tại quảng trường Piazzale Loreta ở thành phố Milan. Cả hai đã bị những người kháng chiến bắn chết.


 

Vũ Cao Định

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN