Cạnh đó, để giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc, Đảng và nhà nước từ trung ương đến địa phương đã giành nhiều kinh phí tổ chức các lễ, hội, các hoạt động vui chơi giải trí phục vụ người dân.
Tuy nhiên, con số bình quân có xấp xỉ 8.000 lễ hội các cấp được tổ chức hàng năm trên phạm vi cả nước là điều làm mọi người phải suy ngẫm, đắn đo.
Trước hết phải nói đến kinh phí tổ chức được lấy nguồn từ đâu? Một số địa phương làm tốt việc “xã hội hóa” gắn với việc quảng bá thương hiệu của các tổ chức, doanh nghiệp nên đỡ phải tốn kém. Vấn đề đặt ra là không phải địa phương nào cũng làm được điều này do nhiều yếu tố khách quan thì việc chi từ nguồn ngân sách là tất nhiên.
Cạnh đó, việc bỏ ra quá nhiều thời gian, công sức tổ chức đã dẫn đến việc lãng phí sức người. Chưa kể đến việc phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phản cảm như: Giành nhau cướp ấn, xin lộc, xin xăm, bói toán, lừa đảo, giật dọc, số đề, cướp giật, “chặt”, “ chém” giá giữ xe, nhà trọ, khách sạn, ăn uống, phương tiện tham quan, buôn bán thú quý hiếm…
Lo lắng kế tiếp là trong các ngày lễ, Tết lớn như : 30/4, 2/9, Tết Dương lịch, Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ ( mừng 5 tháng 5 âm lịch)… số vụ tai nạn giao thông thường gia tăng đột biến gây tổn thất to lớn về của lẫn người. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là: Phóng nhanh vượt ẩu, chở quá khổ, quá tải, điều khiển phương tiện trong tình trạng say rượu, bia. Đau lòng hơn là có những vụ tai nạn làm chết và bị thương nhiều người cùng lúc.
Ngoài các lễ hội văn hóa tâm linh, một số địa phương còn tổ chức rất linh đình, qui mô, lãng phí, tốn kém sức người sức của như: Tổ chức ăn uống, tặng quà, ca múa nhạc, kể cả việc mời các “ngôi sao” ca nhạc, cải lương nổi tiếng với gíá “cát xê” rất cao nhân các ngày kỷ niệm của địa phương mình như: Kỷ niệm ngày thành lập, khởi công các công trình, đón nhận các danh hiệu…
Cạnh đó có một thực trạng rất đáng buồn là có một số người chỉ biết đến việc tận dụng thời gian được nghỉ lễ để vui chơi giải trí hay giải quyết công việc riêng mà không biết, thậm chí không quan tâm đến ý nghĩa, lịch sử truyền thống dân tộc. Một số người mang tiếng là đi lễ nhưng không thành tâm, thiện ý. Một số người khác lại thiếu tế nhị, thiếu văn hóa trong phát ngôn, đi lại, ăn mặc khi đến các điểm hành lễ. Chưa kể đến việc cư xử rất kém văn hóa ở chốn đông người.
Lễ, Tết là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, tổ tiên, tri ân những bậc tiền hiền mở nước, nhớ về người đi trước đã hy sinh để những người đang sống có được hạnh phúc hôm nay nhưng không vì thế mà tổ chức quá tốn kém, không tập trung vào nội dung chủ yếu, vì vậy cần lắm việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, luôn nêu cao ý thức thực hành tiết kiệm những vẫn giữ gìn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.