Mưa xuân không giống như mưa mùa hạ. Mưa mùa hạ là mưa rào. Mưa rào hạt to, lúc đầu còn rơi lộp độp, sau thì rơi xối xả, rơi như trút nước. Có thể ào một cái rồi lại tạnh. Đó là mưa cơn, mưa trận. Cũng có thể là mưa tầm, mưa tã. Mưa đầy sông đầy hồ. Trời đương nắng to lâu ngày, có trận mưa rào, có thể cá rô cũng từ ao hồ róc lên. Mẹ thường bảo nước mưa rào xót lắm nên cá rô phải róc lên. Cá rô róc là cá rô theo dòng nước mà bơi lên, vượt lên. Ngày còn bé, sau khi mưa rào là ta cùng lũ bạn lau nhau đội nón khoác áo tơi xách giỏ ra đường. Mưa lớn, nước chảy thành dòng xuống ao hồ. Theo dòng nước mưa ấy, những chú rô ron, rô choai và đôi khi cả rô sù nữa – như những con tàu nhỏ rẽ nước lao lên đường. Bọn trẻ tha hồ mà bắt bỏ giỏ. Nhưng đừng tưởng bắt cá rô là dễ. Vây cá rô như cái lược bằng xương nhọn hoắt, giương lên, róc liên tục. Anh nào không khéo chộp là bị xương vây đâm vào tay đau điếng. Những chú rô béo vàng chau chảu đem về rán giòn cho cha nhắm rượu hoặc nấu canh cải cho mẹ con xì xụp – ngon phải biết!
Mưa xuân cũng không giống mưa thu. Mưa thu không nồng nhiệt như mưa mùa hạ. Nhưng mưa thu thường đi liền với bão. Vì thế mưa trong gió bão thật là dữ dội. Từ bao đời nay người ta nói mưa gió, gió mưa để chỉ những gì truân chuyên vất vả. Chính gió mưa đã làm bạc màu áo cha, áo mẹ rất nhanh. Chính gió mưa đã làm tóc bà bạc trắng như mây, đã làm tóc cha, tóc mẹ bạc đi nhiều lắm. Đôi bạn gió mưa là tri kỷ của nhau, thường đi liền với nhau như hình với bóng. Gió mưa là đồ đệ của thời gian – đã rắc rêu phong lên những mái đình, những công trình thế kỷ, đã tàn phai bao nhiêu tuổi xuân của những đời người. Thế nhưng người chiến sỹ Vệ quốc quân năm xưa đã ra đi không nề mưa gió. Người chiến sĩ giải phóng quân, người lính Cụ Hồ, người chiến sĩ áo vàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” – trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay – đã ra đi không nề mưa gió. Tuổi xuân của họ có tàn phai theo gió mưa nhưng tuổi xuân của đất nước thì cứ mỗi ngày một rực rõ, thắm nồng lên mãi.
Mưa xuân cũng chẳng giống mưa đông. Cái mưa đông là mưa phùn gió bấc. Cũng đôi bạn gió mưa ấy mùa đông đã làm thành lưỡi dao cắt vào da thịt con người làm cho người ta tê buốt đến tận ruột gan. Nhưng trong cái gió mưa tê buốt ấy, người chiến sĩ vệ quốc quân, giải phóng quân, người lính cụ Hồ, người chiến sĩ áo vàng “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” – trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ - đã chịu đựng được, đã vượt qua được – để lập nên những chiến công hiển hách. Ngày nay, trong mưa gió đêm đông nơi hải đảo xa mờ, nơi đỉnh núi mù sương, nơi cửa biển, cửa rừng, cửa sông, cửa khẩu, trên khắp các nẻo đường đất nước, những người chiến sĩ ấy vẫn không hề quản ngại, vẫn đêm ngày mài sắc ý chí chiến đấu, vẫn đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù, với bọn tội phạm, bọn lâm tặc, hải tặc, với bọn chống phá cách mạng – để giữ yên bình cho xứ sở, cho mùa xuân đất nước trở về.
Mưa xuân thì khác. Mưa xuân đã rải xuống làng, xuống các cánh đồng, các dòng sông, các con đường lối ngõ quê hương... Mưa xuân li ti như bụi, như rây, lây phây giăng khắp trời đất. Mưa xuân mềm lắm, ấm lắm, gần gũi lắm, thân thuộc lắm. Chả có thế mà hàng nghìn năm rồi, người ta vẫn gọi là màn mưa. Dưới màn mưa ấm nồng ấy, muôn nghìn chiến sĩ tân binh như muôn nghìn chồi lộc mùa xuân lại lớp lớp lên đường bổ sung vào đội quân bách chiến bách thắng của nhân dân. Dưới màn mưa ấm nồng ấy, cả dân tộc ta đang chuyển mình – bật lên những sinh lực mới, những trí lực mới...
Phạm Minh Giang