Mua tạm trữ, lúa gạo vẫn khó đầu ra

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đẩy nhanh tiến độ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu theo chủ trương của Chính phủ. Tại nhiều địa phương, giá lúa được các thương lái thu gom bắt đầu có chiều hướng nhích lên. Tuy nhiên, nhà nông khó đạt được mức lợi nhuận 30% như mục tiêu của ngành nông nghiệp.

 

Giá lúa nhích nhẹ


Thu hoạch lúa hè thu tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN

 

Theo khảo sát của phóng viên, tại các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang... , giá lúa tươi thu mua tại ruộng đã nhích lên so với trước ngày 15/6 (thời điểm bắt đầu thu mua tạm trữ) nhưng không đáng kể. Cụ thể, giá lúa loại thường dao động ở mức 3.800 - 3.900 đồng/kg; lúa hạt dài từ 4.200 - 4.300 đồng/kg..., tăng khoảng 200 - 300 đồng/kg. “Giá thu mua lúa đã có sự chuyển biến sau khi các doanh nghiệp bắt đầu triển khai thu mua tạm trữ. Cao điểm thu hoạch vụ hè thu thường rơi vào những tháng mưa nhiều. Do vậy, nhà nông chúng tôi mong doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thu mua để hạn chế tình trạng ùn ứ lúa”, anh Trần Hữu Long ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), cho hay.


Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: “Giá gạo xuất khẩu thấp, đầu ra lại khó khăn nên các doanh nghiệp triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL chỉ có thể giúp nhà nông có lãi tương đối, chứ khó đạt lãi 30% trở lên như mong muốn”. Theo tính toán của Bộ Tài chính, giá thành bình quân sản xuất vụ hè thu năm nay vào khoảng 4.142 đồng/kg, do đó, giá lúa định hướng ở mức 5.383 đồng/kg. Nếu bán ra được với mức giá này, nhà nông mới đảm bảo có lãi 30%. Nhưng trên thực tế, giá lúa bán tại ruộng hiện còn cách xa giá định hướng. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, giá gạo xuất khẩu tại mạn tàu hiện đang ở mức 6.950 đồng/kg, nên doanh nghiệp không thể thu mua với giá cao hơn cho nông dân.


“Chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo không phải là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà chỉ là biện pháp can thiệp ngăn giá lúa giảm sâu khi vào vụ thu hoạch rộ”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám

Ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phân tích thêm: Mức chênh lệch giữa giá thành và giá thu mua thực tế không thuộc hoàn toàn vào người sản xuất vì tỉ lệ lúa gạo mà doanh nghiệp mua trực tiếp của người dân còn thấp, mà chủ yếu là thông qua thương lái. Ví dụ, trong vụ đông xuân vừa qua, giá thành sản xuất lúa chỉ khoảng 3.616 đồng/kg; trong khi giá bán lúa khô tại kho phổ biến ở mức 5.200 - 5.400 đồng/kg, quy ra giá lúa khô tại ruộng là 5.100 - 5.300 đồng/kg. Tính ra, chênh lệch giữa giá thu và giá thành lên tới 38%, thậm chí là 46%. Tuy nhiên, người nông dân không được hưởng hết số chênh lệch này. Vậy mức chênh lệch này còn thuộc về ai?


Về vấn đề này, ông Trương Thanh Phong lý giải, nhà nông thường không bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp mà phải bán qua thương lái vì thực tế doanh nghiệp không có đủ người cũng như phương tiện xuống tất cả các hộ nông dân để thu mua lúa của từng hộ. Trong khi đó, nhà nông cũng không thể mang lúa đến tận kho doanh nghiệp để bán vì không có đủ máy để sấy lúa, việc vận chuyển cũng rất khó khăn. Ông Phong khẳng định: “Vai trò của thương lái là không thể phủ nhận. Họ là một mắt xích trong quá trình sản xuất - phân phối lúa gạo. Khi tham gia vào hoạt động này, đương nhiên họ phải có lợi nhuận. Vấn đề ở đây là cần tổ chức lại hoạt động của lực lượng thương lái này như thế nào”.


115 doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo


Trong tháng 7 dự kiến toàn vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch 660.000 ha, tháng 8 là 680.000 ha. Giá lúa khi đó sẽ khó dự đoán vì lượng lúa thu mua tạm trữ chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng vụ hè thu là gần 10 triệu tấn.

Hiện Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã giao chỉ tiêu cho 115 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia mua tạm trữ lúa gạo, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các địa phương giúp doanh nghiệp triển khai thu mua, cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát...


Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng vụ hè thu năm 2013 ở các tỉnh ĐBSCL ước đạt khoảng 9,3 triệu tấn lúa, tương đương hơn 4,6 triệu tấn gạo. Thời điểm thu hoạch rộ vụ thè thu sẽ rơi vào hai tháng 7 và 8 - giai đoạn mưa nhiều, gây khó khăn cho việc thu hoạch cũng như tiêu thụ lúa gạo.


Vụ hè thu năm nay, tỉnh Đồng Tháp sẽ thu mua 76.000 tấn gạo tạm trữ. Hiện tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu cho 8 doanh nghiệp trên địa bàn. Còn tỉnh Hậu Giang được phân bổ chỉ tiêu thấp, khoảng 15.000 tấn gạo. Riêng các tỉnh nhận phân bổ cao như: Long An với 91.000 tấn, Kiên Giang 85.000 tấn... cũng có kế hoạch cụ thể tăng tốc thu mua đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao, góp phần giúp nông dân giải phóng lượng lúa vừa thu hoạch trong thời điểm khó bảo quản do mưa nhiều.

 

Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ: Người trồng lúa lỗ nặng

 

Hiện nay, nhiều địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch. Một số tỉnh khác như Tiền Giang, Long An... thì khoảng hai tháng nữa nông dân mới bước vào chính vụ thu hoạch.

 

Hiện giá lúa nông dân bán tại ruộng rất thấp chỉ vào khoảng 3.700 - 3.800 đồng/kg, dù mức giá này đã tăng so với trước. Với giá này, những nông dân trồng lúa hạt dài đang bị lỗ nặng nên đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Theo tính toán, giá thành sản xuất lúa vụ này vào khoảng 4.100 đồng/kg, nhưng đây là giá được tính toán dựa trên tiêu chuẩn VietGAP, nghĩa là bà con phun thuốc trừ sâu, bón phân theo đúng quy trình, đúng liều lượng. Còn nếu bà con trồng theo phương pháp truyền thống thì giá thành sản xuất lúa còn đội lên cao hơn nữa. Khi trồng theo phương pháp truyền thống, thấy lúa xấu, bà con bón phân, thấy lúa bị sâu bệnh thì phun thuốc với số lần vượt tiêu chuẩn cho phép nên chi phí đầu vào tăng cao.

 

Vùng ĐBSCL hầu như có lúa quanh năm. Theo đó, từ tỉnh Long An cho đến Cà Mau, bà con nông dân liên tiếp gối nhau thu hoạch lúa, hết vụ đông xuân đến hè thu, thu đông rồi lại đông xuân. Vậy nên, việc bán được lúa là áp lực với bà con. Trong thời gian tới, nếu các doanh nghiệp tập trung thu mua tích cực, quyết liệt thì giá lúa gạo có khả năng tăng lên. Còn nếu các doanh nghiệp chỉ làm theo cách như mọi năm, nghĩa là mua cho đủ chỉ tiêu kế hoạch thì giá lúa khó nhích lên.

 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Cần có cơ chế tiêu thụ hết lượng lúa gạo

 

Giá bán lúa của nông dân nhiều địa phương đang thấp hơn giá thành. Nếu lúc này Nhà nước không ra tay giúp đỡ nông dân thì có khả năng ngành trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng trong tương lai. Nếu nông dân bỏ ruộng thì sẽ xảy ra nguy cơ khan hiếm nguồn cung lương thực. Trong những giai đoạn lịch sử nhất định, người nông dân là cứu cánh cho nền kinh tế. Vậy nên, theo tôi, lúc này không nên tính toán với người trồng lúa mà cần có cơ chế tiêu thụ hết lượng lúa gạo các địa phương sản xuất ra để đời sống của người nông dân đỡ vất vả.

 

Ông Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt khu vực phía Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Đáng ngại là khó xuất khẩu được

 

Hầu hết các tỉnh trong khu vực ĐBSCL mới bắt đầu thu hoạch lúa, khoảng vài ngày nữa mới thu hoạch rộ. Trong tháng 7 dự kiến toàn vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch 660.000 ha; tháng 8 là 680.000 ha, khi đó không biết giá lúa sẽ thế nào vì lượng lúa thu mua tạm trữ chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng vụ hè thu là gần 10 triệu tấn. Lúc này giá lúa thấp không đáng ngại, mà việc không xuất khẩu được còn nghiêm trọng hơn. Hiện tình trạng dư thừa lúa gạo xảy ra trên toàn thế giới nên giá thành sản xuất của từng hộ nông dân phải tự giảm xuống để nâng cao sức cạnh tranh.

 

Thời gian qua, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo người dân khi sản xuất lúa phải cố gắng giảm sử dụng các loại hóa chất. Bởi theo tính toán, giá vật tư nông nghiệp chiếm 60% giá thành lúa. Bên cạnh đó, năng lực tìm kiếm thị trường cho hạt gạo Việt Nam cũng phải tăng lên với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, sao cho giá chào hàng của gạo Việt Nam phải cạnh tranh với các nước khác. Cả hai lĩnh vực sản xuất và thương mại phải kết hợp, hỗ trợ nhau thì gạo Việt Nam mới vững chân trên thị trường quốc tế.

 

Huyền Tím - Lê Nghĩa và Liên Phương thực hiện

Vĩnh Long thu mua tạm trữ kết hợp đẩy mạnh xuất khẩu

Bốn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đang triển khai kế hoạch mua 48.000 tấn lúa kết hợp với đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN