Mai một nghề dệt thổ cẩm ở Lăng Can

Vượt qua đèo Tre Keo, Khau Lắc và những đồi cọ Nà Gường, Pù Mô xanh mướt một màu, chúng tôi tìm đến xã Lăng Can, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), nơi được coi là cái nôi của nghề truyền thống trồng bông, dệt vải ở Tuyên Quang.


Thổ cẩm Lăng Can trước đây nức tiếng một thời bởi không chỉ đẹp với hoa văn tinh xảo mà nó còn được dệt nên từ đôi bàn tay chuyên cần, khéo léo của những người phụ nữ dân tộc Tày chịu thương, chịu khó. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm ở Lăng Can đang dần bị mai một.

Chúng tôi đến thăm chợ trung tâm Lăng Can, một trong những chợ phiên sầm uất nhất của huyện mới Lâm Bình, hàng hóa trong chợ phong phú và đủ mọi chủng loại, tuy nhiên một điều dễ nhận thấy là các sản phẩm từ thổ cẩm gần như vắng bóng.


Ông Nguyễn Công Hựu, Chủ tịch xã Lăng Can cho biết: “Trước đây, trồng bông dệt vải là nghề truyền thống của bà con dân tộc nơi đây, từ trang phục, chăn, gối, đệm, túi xách… và các vật dụng cá nhân đều do bàn tay những người phụ nữ ngày đêm miệt mài tự dệt nên.

Ngày nay, các sản phẩm may mặc bán tràn lan với nhiều mẫu mã, chủng loại nên dần dần người ta không còn mặn mà với nghề trồng bông dệt vải. Nếu không có biện pháp khôi phục kịp thời thì nghề dệt thổ cẩm ở Lăng Can sẽ vĩnh viễn đi vào quá khứ”.

Thổ cẩm Lăng Can. Ảnh: Khiếu Thư


Để hiểu thêm về truyền thống dệt thổ cẩm Lăng Can, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Sặn ở bản Làng Chùa, người suốt đời gắn bó với nghề trồng bông, dệt vải.


Biết có nhà báo đến tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương, bà cho biết: “Từ năm 10 tuổi, tôi đã được làm quen với khung cửi. Ngày đó, một trong những tiêu chí để đánh giá phẩm chất của người con gái là phải biết se tơ dệt vải. Người ta thường nói “người đẹp vì lụa” nên muốn có áo đẹp diện trong những dịp lễ Tết, những cô gái Tày chỉ còn cách tự mình tỉ mỉ dệt vải.

Trước đây ở bản này, hầu như nhà nào cũng có khung cửi, đó là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Ban ngày họ lao động trên nương rẫy, đêm đến lại miệt mài bên khung cửi để dệt nên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống gia đình.


Tuy nhiên, do sự tác động của nhiều yếu tố mà nghề dệt thổ cẩm ở đây đã gần như mất hẳn, phụ nữ không còn mặc trang phục truyền thống, hàng hóa vải vóc bày bán tràn lan khắp chợ nên không ai còn dệt vải để may áo quần nữa. Ở bản, số người biết dệt vải chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong khi giới trẻ cũng không mặn mà gì với nghề truyền thống, học vài hôm là chán, không có niềm đam mê thì không thể gắn bó lâu dài với nghề”.

Để dệt được một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn và mất một thời gian dài, có khi vài tháng mới hoàn thành. Nguyên liệu chính để dệt vải là bông. Bông sau khi thu hoạch về được nhặt sạch phơi khô. Múi bông sau khi tách, dùng cung bật bông rồi mới ép thành con để kéo sợi.


Kéo sợi phải thật đều tay để sợi chỉ đều, đẹp, mịn. Theo phong tục của người Tày, ngày kéo sợi phải chọn ngày đẹp thì sợi mới không bị rối. Sau công đoạn kéo sợi, người ta nấu cháo bằng gạo dẻo, khi nước cháo sền sệt thì cho sợi vào hồ để sợi được mềm mại.

Công đoạn cuối cùng là nhuộm sợi bằng lá rừng. Lá nhuộm thường là lá tràm. Lá sau khi lấy về, cho vào ngâm từ 2 đến 3 ngày rồi vớt ra lấy nước pha với vôi bột, khuấy đều lắng xuống, gạn nước trong, sau đó pha tro bếp và rượu trắng khuấy đều rồi cho sợi vào nhuộm. Sợi phải nhuộm 3 lần thì mới đạt được màu chuẩn và có độ mềm, không bị cứng. Sau công đoạn nhuộm mới bắt đầu dệt vải, dệt vải cũng đòi hỏi kỹ thuật cao và rất kỳ công nên chỉ những người thực sự kiên trì và có niềm đam mê mới có thể gắn bó lâu dài với nghề này.

Ông Nguyễn Thế Giang - Chủ tịch huyện Lâm Bình cho biết: Huyện có kế hoạch đầu tư, khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Lăng Can để cùng với địa danh Thượng Lâm vốn nổi tiếng với 99 ngọn núi đã đi vào truyền thuyết, huyền thoại, Xuân Lập với điệu khèn Mông ngây ngất đắm say lòng người… tạo nên nền tảng để thúc đẩy ngành du lịch của huyện Lâm Bình.

Khiếu Thư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN