“Lời giải” cho kinh tế Tây Bắc

Để tìm lời giải giúp Tây Bắc có thể tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng nhân chuyến công tác về vùng Tây Bắc của Thứ trưởng.

´Xin Thứ trưởng đánh giá về hướng phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc trong thời gian qua và để tạo đột phá, Tây Bắc cần phát triển theo hướng nào?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng và đoàn công tác thăm mô hình trồng bông tại Sơn La.


Có thể nói, nhiều năm qua, vấn đề xác định kinh tế ở Tây Bắc tập trung vào cái gì vẫn là một dấu hỏi lớn mà chưa có câu trả lời thật sự xác đáng. Đã có rất nhiều cây, con được nuôi, trồng thử nghiệm tại Tây Bắc nhưng chưa thu được thành công như: Cây ngô đã trồng ở Tây Bắc nhiều năm nhưng chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo và năng suất ngày càng giảm do trồng trên đất dốc, hiện nay năng suất chỉ còn 25 – 27 tạ/ha. Tương tự, sắn cũng là một loại cây chỉ có thể giúp Tây Bắc xóa đói giảm nghèo. Điển hình là cây trầu cũng được đưa lên trồng và thậm chí cả công nghệ ép dầu trầu cũng đã được triển khai nhưng không thành công. Đặc biệt Tây Bắc được biết đến với một số cánh đồng như Than Uyên, Mường Lò, Mường Thanh… có khả năng phát triển nghề trồng lúa và trên thực tế một số loại gạo của Tây Bắc ngon nổi tiếng như gạo Than Uyên, gạo Điện Biên… cũng chỉ dừng lại ở bán nhỏ lẻ với số lượng khiêm tốn chứ chưa trở thành sản phẩm thương mại.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ KHCN, tôi thấy Tây Bắc có nhiều lợi thế để phát triển ngành công nghiệp thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản vì nơi đây có đất đai rộng lớn, giàu khoáng sản và đặc biệt có rất nhiều dòng suối, hệ thống sông tích nước với trữ lượng lớn. Nếu ứng dụng KH&CN, Tây Bắc cũng vẫn có thể xác định vùng tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên chấp nhận cơ chế thị trường, thay đổi tư duy mới có thể phát triển được. Thay vì để Nhà nước cấp tiền cho các dự án triển khai thì tốt hơn là nên tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp tham gia vì doanh nghiệp mới là người có khả năng tính toán đầu vào - đầu ra và họ giải bài toán kinh tế về lợi nhuận là tốt nhất.

Hiện tại, tôi khẳng định nếu tiếp tục có sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho cây cao su và cây chè thì cây cao su và cây chè sẽ thành công trên Tây Bắc và là điểm sáng để tạo đột phá kinh tế cho vùng Tây Bắc. Hiện, 3 tỉnh Tây Bắc đã có 20.000 ha cao su và đến năm 2014 sẽ được thu hoạch, tôi cho là cây cao su có nhiều lợi ích như lấy mủ, lấy gỗ và nó là nơi sản xuất rất nhiều mục đích. Còn về con thì tôi nghĩ đối với Tây Bắc, con trâu vẫn là hàng đầu cả nước. Con trâu là con có thể phát triển để trở thành hàng hóa, không chỉ cung cấp cho Tây Bắc mà còn cho Hà Nội và trong tương lai xa hơn có thể ra cả nước và nước ngoài.

´Thưa Thứ trưởng, để giải bài toán kinh tế cho vùng Tây Bắc phát triển mạnh mẽ hơn nữa thì cần ưu tiên vấn đề gì?

Thực sự việc chuyển giao công nghệ cho các tỉnh Tây Bắc là cần thiết và không khó thực hiện, nhưng để việc chuyển giao KH&CN vào đời sống tốt thì cần phải chú trọng công tác tuyên truyền. Truyền thông phải thực sự vào cuộc, tích cực, quan tâm đến vấn đề khuyến nông gồm: Khuyến nông nhà nước hay hệ thống khuyến nông quốc gia, từ tỉnh đến huyện đến xã. Đây là hệ thống được Nhà nước cấp tiền hàng năm để tổ chức các hội nghị phổ biến kiến thức, hội nghị đầu bờ cho dân. Hình thức tiếp theo có thể đề cập là: Doanh nghiệp khuyến nông cho nông dân như việc Tập đoàn cao su khuyến nông cho nông dân từ cách cạo mủ, trồng và chăm sóc cây cao su. Rồi cà phê, mía đường, bông đều phải thực hiện công việc này. Khuyến nông phải là điều kiện bắt buộc khi các công ty muốn đầu tư phát triển tại Tây Bắc. Cuối cùng là hình thức nông dân khuyến nông cho nông dân qua những kinh nghiệm phổ biến lẫn nhau.

Một điều kiện nữa để việc đưa kết quả KH&CN thành công ở Tây Bắc là phải có sự tham gia của các doanh nghiệp. Họ có khả năng đầu tư và đồng thời tính toán tốt đầu ra cho các dự án, nói cách khác là họ có trách nhiệm với đồng tiền mà họ bỏ ra.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, các tổ chức quản lý nhà nước về KHCN từ Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có trách nhiệm trong việc này. Tổ chức KH&CN đưa ra các đầu bài cho các dự án, chương trình nông thôn miền núi của Bộ để có thể đưa được những cây con phù hợp đến với Tây Bắc. Kết hợp tốt hình thức 3 nhà là nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân. Và cuối cùng tôi nghĩ điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Tây Bắc là hạ tầng cơ sở, đặc biệt là đường giao thông. Nếu đường sá được nâng cấp và thông suốt thì các nhà khoa học, các nhà doanh nghiệp…, sẽ đến với Tây Bắc. Nếu kết hợp được các yếu tố, đẩy mạnh đầu tư cho Tây Bắc thì Tây Bắc sẽ thực sự đổi đời, tạo sức bật để vươn lên phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Phương Hoàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN