Đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, đồng bào dân tộc Mông ở xã Nà Hẩu long trọng tổ chức Lễ hội cúng rừng - nghi lễ truyền thống có ý nghĩa lớn nhất, quan trọng nhất trong năm đối với người dân nơi đây và còn được gọi là “Tết rừng”.
Lễ hội cúng rừng mở đầu bằng phần rước lễ vật từ trụ sở xã lên khu rừng cấm. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng, dưới gốc cây táu mật cổ thụ, thầy cúng bày biện lễ vật lên bàn thờ cúng được làm bằng khung tre. Lễ vật để dâng cúng Thần rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.
Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, gõ mõ bốn phía và khấn mời Thần rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân trong xã, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu…
Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong xã thực hiện việc cắt tiết gà, tiết lợn, lông của gà được phết máu và dán lên gốc cây cổ thụ, đây là một hình thức báo với thần rừng là dân làng đã dâng lễ vật lên Thần rừng.
Sau khi được Thần rừng tiếp nhận lễ vật do dân làng cúng tế, lợn gà được mang đi làm thịt, chế biến thành các món chín để cúng tế lần hai, dâng lên Thần rừng với tất cả lòng thành kính.
Thực hiện xong nghi lễ cúng tế Thần rừng, người dân các thôn, bản tập trung dưới khu rừng thiêng của thôn mình để cùng mổ lợn liên hoan. Sau lễ hội là phong tục cấm rừng trong ba ngày.
Theo tập tục, đồng bào dân tộc Mông trong xã Nà Hẩu nghỉ kiêng ăn Tết rừng ba ngày để tạ ơn Thần rừng. Trong ba ngày này, mọi người phải tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục: không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng…
Cùng với phần lễ, người dân trên địa bàn xã Nà Hẩu và các xã lân cận đã hòa mình trong khí vui tươi với các tiết mục văn nghệ và hoạt động thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ; tham quan, mua sắm tại khu vực chợ quê bày bán các sản vật của người dân bản địa.
Tín ngưỡng thờ Thần rừng của đồng bào Mông nơi đây đã được truyền qua nhiều thế hệ. Ở thôn bản nào của Nà Hẩu cũng có một khu rừng cấm - rừng thiêng với những quy định “bất khả xâm phạm” và nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần rừng.
Lễ hội Tết rừng gắn với những quy định bảo vệ rừng, đã trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng độc đáo của xã Nà Hẩu từ nhiều năm nay.
Điều đặc biệt của lễ hội ngoài việc cúng thần linh, thể hiện ý thức tôn trọng, bảo vệ rừng còn được xem như một cuộc họp tổng kết năm của các thôn, bản, có sự tham gia của toàn dân trong xã. Việc thực hiện các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng cấm, rừng thiêng, rừng đầu nguồn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn rừng nguyên sinh Nà Hẩu.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích 16.950 ha, là nơi có thảm thực vật phong phú và cư trú của nhiều loài động vật quý hiếm của Việt Nam, không chỉ có giá trị lớn về đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, đây còn là khu rừng thực hiện chức năng phòng hộ xung yếu của lưu vực sông Hồng nhằm mục đích bảo tồn các hệ sinh thái và các loài động thực vật, đặc trưng cho khu vực núi thấp dãy Hoàng Liên Sơn nói riêng và phía Bắc Việt Nam nói chung.