Làng RBai (Gia Lai) - Điểm sáng về truyền thống hiếu học

Cái sự học vốn lâu nay vẫn được xem là “mảng tối” đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thế nhưng, đối với làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện (Gia Lai) thì lại được nhiều người biết đến bởi truyền thống hiếu học đã hình thành từ nhiều năm nay. Chính ngôi làng thuần nông này đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, góp phần dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.


Theo chân cán bộ Hội khuyến học huyện Phú Thiện, chúng tôi tới thăm ngôi nhà của gia đình bà Siu H’Ngôn, làng Rbai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện. Ngôi nhà khá đơn sơ nhưng lại được tô điểm rất đặc biệt bằng hàng loạt bằng khen, giấy khen của 4 người con. Hai đứa con lớn của bà đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Hai đứa con nhỏ cũng đang theo học đại học và cao đẳng.


Và trong bốn đứa con đó, bà H’Ngôn tự hào nhất là về đứa con gái cả Siu Hương - hiện là Đại biểu Quốc hội khóa 13, cán bộ Sở Tư Pháp tỉnh Gia Lai. Bà H’Ngôn cho biết:“Vợ chồng mình sinh được 4 đứa con, nuôi được các con ăn học rất là cực khổ vì cuộc sống khó khăn, nghèo khổ lắm. Nhưng vì hai vợ chồng đã nghèo cái chữ, nên cuộc sống có cực khổ tới đâu chúng tôi vẫn cố gắng nuôi các con ăn học đàng hoàng. Đến bây giờ các con đã trưởng thành và học hành đến nơi đến chốn, chúng tôi rất tự hào về các con của chúng tôi đã học nên người.”



Ba Siu H'Ngon với tấm hình của cô con gái Siu Hương chụp cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước.  



Rời ngôi nhà của bà Siu H’Ngôn, chúng tôi tới gia đình ông Nay Yem. Cũng giống như căn nhà của gia đình bà H’Ngôn, căn nhà sàn đơn sơ của ông Nay Yem cũng được tô điểm bằng các loại bằng khen, giấy khen của những đứa con ưu tú của gia đình. Vợ chồng Nay Yem có 5 đứa con thì 3 đứa đã tốt nghiệp đại học (1 người là giáo viên, 2 người là bác sĩ).


Còn người con thứ tư đang học trung cấp và con út chuẩn bị thi đại học. Ông Yem phấn khởi: Cuộc sống gia đình thuần nông đã cực khổ lâu rồi, cái chữ đối với làng khó khăn lắm. Nhưng vì mình nghèo cái chứ, vì thế cái lạc hậu, đói nghèo cứ bám lấy làng thôi. Nên dù cuộc sống khó khăn, đói kém tôi vẫn luôn nhắc nhở các cháu phải gắng học cái chữ. Có học cái chữ mới đuổi được cái lạc hậu, cái đói nghèo của làng. Nhờ con cái nghe lời nên mấy đứa con của tôi đều chăm ngoan học giỏi. Tôi mừng và tự hào về các con lắm”.



Ông Nay Yem bên tấm bằng khen của con mình.



Có thể nói, dù làng Rbai chỉ là một ngôi làng thuần nông, đa phần là hộ đồng bào người dân tộc thiểu số (hơn 90% là người Ja Rai). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tinh thần hiếu học của con em người đồng bào nơi đây đã và đang được duy trì rất tốt. Và chính từ ngôi làng này đã sản sinh ra nhiều người con ưu tú, nhiều cán bộ cho địa phương chính nhờ tinh thần hiếu học này.


Theo thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện tại thì trong làng đã có hơn 210 người đã và đang làm cán bộ từ cấp xã trở lên, khoảng 60 người đạt trình độ Đại học, Cao đẳng và hiện có gần 30 sinh viên đang theo học ở các trường Đại học trong cả nước. Ngoài Siu Hương, con gái bà Siu H’Ngôn đang là Đại biểu Quốc hội thì trong làng Rbai còn có những cái tên khác được nhiều người biết đến như ông Nay Suin - Phó hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Gia Lai; ông Rmah Xôn – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện hay như ông Nay Krem, Trưởng phòng dân tộc huyện Phú Thiện... Và làng Rbai còn có người đạt trình độ Thạc sĩ đó là chị Rô Hrim, con của ông Ksor Muaih – một giáo viên về hưu.


Bà Vũ Thị Lý - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện cho biết: “Làng Rbai, xã Ia Piar là làng có truyền thống hiếu học từ lâu đời nay. Từ những năm 1985-1986, khi tôi về công tác tại trường tiểu học Ia Piar (nay là trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) xã Ia Piar, tôi đã phát hiện ra tinh thần hiếu học của làng Rbai. Khi ấy, riêng trường tiểu học Ia Piar đã có tới 7 giáo viên là người làng Rbai. Từ đó đến nay, tinh thần hiếu học của dân làng ngày càng được phát huy. Làng Rbai đang là điểm sáng để huyện Phú thiện nhân rộng tinh thần hiếu học và là điểm sáng cho nhiều thế hệ trẻ sau này noi theo.


Được biết, trong huyện Phú Thiện nói riêng và trong tỉnh Gia Lai nói chung, chưa có một ngôi làng nào, kể cả làng của người kinh có số người đạt trình độ Đại học, cao đẳng và làm cán bộ nhiều như ở làng Rbai. Chính ngôi làng của những người Ja Rai này đã tạo nên một ấn tượng mạnh về tinh thần hiếu học trong vùng dân tộc thiểu số, xóa đi cái “mảng tối” về giáo dục đã tồn tại bấy lâu nay trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số.


Bài, ảnh: Quang Thái - TTXVN


Già làng Ksor Kai - Niềm tin của buôn làng Ja Rai
Già làng Ksor Kai - Niềm tin của buôn làng Ja Rai

Dù đã ở cái thất thập cổ lai hi nhưng già Ksor Kai, buôn Rưng A Ma Đoan, xã Ia Rbol, Thị xã Ayun Pa (Gia Lai) vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh và minh mẫn so với cái tuổi của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN