Toàn huyện đã hình thành được 11 thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu và các mô hình này hoạt động có hiệu quả, tạo sự đổi thay diện mạo của từng thôn - làng.
Làng Tốt ở xã Ia Sao được chọn làm điểm trong quá trình xây dựng mô hình "thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu". Sau 2 năm (2014 - 2015), làng Tốt đã hoàn thành cơ bản 6 tiêu chí của mô hình đã đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của hơn 100 hộ người J'rai sinh sống trên địa bàn đã được cải thiện rõ rệt. Số hộ nghèo giảm mạnh (chỉ còn 10 hộ); an ninh nông thôn đảm bảo và các gia đình đều tự giác chấp hành tốt chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; không có người vi phạm pháp luật và không có người trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ 3...
Chị Chu Thị Phất (thôn Chư Hậu 6, xã Ia Bá, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), một tấm gương phụ nữ năng động, nhiệt tình, vươn lên thoát nghèo Ảnh: Dư Toán/TTXVN. |
Chị Rơ Chăm Wan tâm sự: "Trước đây gia đình mình còn nghèo khó lắm; đất canh tác thì có nhưng không biết cách làm ăn nên 2 vợ chồng làm quần quật quanh năm cũng không đủ ăn. Sau khi làng Tốt xây dựng mô hình "thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu", vợ chồng mình được hỗ trợ giống tốt và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt nên sản phẩm làm ra nhiều hơn và có của ăn của để. Hiện nay, nhà mình có 0,5ha đất trồng điều và hơn 1ha đất trồng sắn cao sản; chăn nuôi được 2 con bò cái sinh sản và mỗi năm có mức thu nhập hơn 100 triệu đồng... ".
Bắt tay vào xây dựng mô hình "thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu", Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai đã phối hợp chặc chẽ với các cấp chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng làng, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt nhóm và tự mỗi thành viên đăng ký thực hiện những tiêu chí mà bản thân và gia đình chưa đạt được; đồng thời khảo sát thực tế về đời sống và xã hội của từng thôn - làng để có giải pháp hỗ trợ thực hiện đầy đủ các tiêu chí đã được quy định đối với "thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu".
Cụ thể, đối với thôn - làng còn nhiều hộ nghèo thì phối hợp với Trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật phát triển sản xuất và hỗ trợ giống cây - con; phối hợp với các ngân hàng chính sách và thương mại cho vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Đối với thôn - làng còn nhiều hộ vi phạm Pháp lệnh dân số thì phối hợp với ngành y tế tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, tổ chức chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ...
Từ việc ý thực hiện mô hình "thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu", bà con còn tích cực tham gia cuộc vận động chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới như: góp ngày công lao động và tiền để cùng tham gia làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi... Có nhiều hộ đã tự nguyện tháo bỏ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường khang trang và sạch đẹp cũng như ý thức giữ gìn về môi trường sống "Sáng, xanh, sạch, đẹp" ở từng thôn làng.
Bà Phạm thị Tố Hải - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai khẳng định, mô hình "thôn - làng phụ nữ kiểu mẫu" là một trong những hoạt động thiết thực trong quá trình xây dựng và phát triển các thôn - làng trên địa bàn vững mạnh, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những mô hình ở huyện Ia Grai được coi là "điểm sáng", Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã và đang có kế hoạch nhân rộng ra toàn tỉnh, trước hết là đối với những thôn - làng còn thiếu những tiêu chí quan trọng như hộ nghèo còn nhiều, còn có nhiều người vi phạm pháp luật làm mất an ninh, trật tự công cộng trên địa bàn...