Lãng phí chụp chiếu, xét nghiệm y tế: Bài cuối: “Tuýt còi” việc lạm dụng

Để khép lại loạt bài viết này, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ThS Nguyễn Trọng Khoa (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, về các giải pháp hạn chế tình trạng bệnh nhân bị “ép” làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.

 

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ sở y tế yêu cầu bệnh nhân làm lại xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (đã làm trước đó) là mặt trái của công tác xã hội hóa; nhận định đó có đúng không, thưa ông?


Nơi nào điều trị thì nơi đó phải chịu trách nhiệm trước người bệnh. Vì thế, các bệnh viện (BV), các thầy thuốc thường đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu. Không thể vì một vài cơ sở có biểu hiện lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh mà quy chụp cho cả ngành được. Trong điều trị, có khi người bệnh mới chụp phim tức thì, nhưng chất lượng phim không bảo đảm và BS có thể yêu cầu chụp lại theo quy chuẩn giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Nếu trường hợp trên mà khẳng định lạm dụng xét nghiệm là không hợp lý.


Để các thầy thuốc có đủ cơ sở tin vào chất lượng xét nghiệm và không chỉ định làm lại xét nghiệm, thì các cơ sở y tế cần phải hiệu chuẩn máy móc, chuẩn hóa phòng xét nghiệm, tiến hành kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm thì mới bảo đảm chất lượng. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành thông tư, quy định các BV phải thành lập Hội đồng thuốc và điều trị, để tư vấn cho giám đốc các giải pháp kiểm soát việc thực hiện quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị. Bộ Y tế cũng sắp ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng xét nghiệm y học. Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm, tăng cường kiểm định kết quả của các phòng xét nghiệm tại các cơ sở y tế.

 

Tới đây, Bộ Y tế sẽ triển khai những biện pháp cụ thể nào để người bệnh đỡ mất thời gian và thiệt hại về tài chính cho việc phải chụp chiếu, xét nghiệm lại, thưa ông?


Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT - BYT ngày 11/1/2013 về hướng dẫn quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư này yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai kết quả kiểm chuẩn xét nghiệm. Đây là cơ sở để các bệnh viện tin tưởng chất lượng xét nghiệm và công nhận kết quả của nhau, hạn chế phần nào việc bệnh nhân phải làm lại các xét nghiệm. Ví dụ, nếu BV A đã tiến hành quản lý chất lượng xét nghiệm cho xét nghiệm huyết học (được cơ quan có thẩm quyền công nhận), thì khi người bệnh chuyển sang BV B thì sẽ không phải làm lại xét nghiệm huyết học nữa (trừ các yêu cầu chuyên môn do bác sỹ chỉ định như theo dõi quá trình diễn biến bệnh tật).


Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm mở rộng phạm vi của công tác kiểm chuẩn cho các xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh. Bộ cũng khuyến khích các phòng xét nghiệm phấn đấu để được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế về phòng xét nghiệm như đạt ISO 15189. Theo thống kê, hiện nay cả nước đã có 29 phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn này như: Phòng xét nghiệm của BV Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, BV Đa khoa Trung ương Huế (Thừa Thiên - Huế) và BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới TW (Hà Nội)...


Hiện nay, chúng tôi cũng đang phối hợp cùng Viện Tiêu chuẩn về lâm sàng và xét nghiệm của Hoa Kỳ đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng cho lãnh đạo các phòng xét nghiệm tại tuyến Trung ương và giảng viên các trường đại học y dược trên toàn quốc...

 

Dẫu vậy, nhiều người bệnh vẫn rất bức xúc vì tình trạng phải làm xét nghiệm nhiều lần vẫn chưa "giảm nhiệt". Vậy tới đây, Bộ Y tế có tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định để các BV tin tưởng, công nhận kết quả xét nghiệm của nhau không? Những cơ sở y tế vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?


Tiêu chí kiểm tra việc thực hiện những chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng luôn được Bộ Y tế đưa vào tiêu chí kiểm tra BV hàng năm. Nhưng ranh giới giữa việc lạm dụng xét nghiệm với việc đảm bảo chất lượng điều trị cho người dân rất mong manh và khó phát hiện.


Hiện nay, tại các BV, Hội đồng thuốc và điều trị, Hội đồng quản lý chất lượng BV... luôn giám sát việc kê đơn và chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng nhằm “tuýt còi” kịp thời những hành vi sai phạm.


Về phía Bộ Y tế, thời gian tới, sẽ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế về việc thực hiện những quy chế, quy trình đã được Bộ Y tế quy định. Mong rằng, người dân sẽ cùng ngành y tế phát hiện ra những hành vi sai phạm bằng cách phản ánh trực tiếp đến các số điện thoại đường dây nóng vẫn có tại mỗi bệnh viện, mỗi sở y tế và cả đường dây nóng của Bộ Y tế (0973 306 306).

 

Xin cảm ơn ông!


Nhóm phóng viên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN