Lần đầu tiên 'vàng Nhà nước' rẻ hơn thị trường

Sáng 16/4, tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã diễn ra phiên đấu giá bán vàng miếng lần thứ 7.

Khối lượng dự kiến đưa ra đấu thầu là 26.000 lượng vàng với mức giá tham chiếu được NHNN đưa ra chiều qua là 41,3 triệu đồng/lượng, cao hơn gần 7 triệu đồng/lượng so với giá thế giới và đang cao hơn giá giao dịch trên thị trường khoảng 1,6 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo diễn biến của thị trường, trong phiên đấu giá sáng nay, NHNN đã công bố giá tham chiếu mới là 38,67 triệu đồng/lượng.

25.700 lượng vàng đã được đấu thầu thành công trong phiên thứ 7. Ảnh: tienphong.vn


Khối lượng vàng đưa ra đấu thầu lần này cũng chỉ bằng một nửa so với phiên 6. Có lẽ với lượng vàng dư sau đấu thầu lần 6 lên tới 12.000 lượng (chiếm hơn 1/4 tổng khối lượng đấu thầu), cộng với đà sụt giảm mạnh của giá vàng thế giới đã khiến NHNN dè dặt hơn khi tung hàng ra thị trường.

Trong phiên đấu giá ngày 16/4, mỗi đơn vị doanh nghiệp và ngân hàng tham gia đấu thầu sẽ được đặt thầu tối đa là 10.000 lượng vàng, tối thiểu là 1.000 lượng, tỷ lệ đặt cọc là 10% và khối lượng đặt thầu là 1 lô (tương đương 100 lượng vàng).

Kết thúc phiên đấu thầu bán vàng miếng lần thứ 7, đã có 25.700 lượng vàng được giao dịch thành công với mức đấu thành công thấp nhất là 38,7 triệu đồng/lượng (cao hơn giá sàn 30.000 đồng/lượng) và giá đấu thành công cao nhất là 38,92 triệu đồng/lượng. Sau 7 phiên đấu thầu đã tổ chức, NHNN đã cung ra thị trường 183.900 lượng vàng.

Can thiệp thị trường vàng từ cuối tháng 3, NHNN đã tổ chức được 7 phiên đấu giá bán vàng miếng nhằm tăng cung, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong bối cảnh thị trường vàng quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường thì rủi ro tiềm ẩn cho cả bên mua lẫn bên bán.

Trong một phiên đấu giá, bà Võ Ngọc Tuyết – PGĐ Công ty TNHH MTV Kim Ngọc Phú nhận xét: Việc thu hẹp khoảng cách giá giữa giá vàng Việt Nam và thế giới không thể giải quyết ngay lập tức được mà phải cần có một thời gian nhất định để chờ lượng cung trên thị trường dồi dào. Khi cung được bổ sung nhiều hơn thì vô hình chung sẽ kéo giá giảm. Theo quy luật cung cầu, cung nhiều thì cầu được đáp ứng, thị trường sẽ điều chỉnh giá giảm cho phù hợp, lúc ấy không cần NHNN phải tham gia điều chỉnh giá.

Chiều ngày 15/4, độ chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới lên tới 6,3 triệu đồng/lượng do giá vàng thế giới “rơi” liên tiếp. Sáng nay, giá vàng thế giới sau quy đổi có giá khoảng 33,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 6 triệu đồng/lượng. Nếu phiên đấu giá bán vàng miếng lần đầu tiên thì độ chênh giữa giá Việt Nam và thế giới chỉ khoảng 3,5 triệu đồng/lượng thì đến phiên đấu thầu thứ 7 (sau chưa đầy 1 tháng), khoảng cách đã bị dãn thêm lên.

Đáng chú ý, sáng 16/4, giá mua và bán vàng miếng của các doanh nghiệp kinh doanh trong nước cũng giảm mạnh, mất mốc 40 triệu đồng/lượng. Giá mua – bán công bố của Tập đoàn DOJI giảm xuống còn 38,8-39,6 triệu đồng/lượng; mức giá Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) còn 39-39,8 triệu đồng/lượng; Công ty Đầu tư Vàng Phú Quý công bố giá mua – bán dao động khoảng 38,7-39,6 triệu đồng/lượng. Như vậy, mức giá mua – bán vàng trên thị trường trong nước giảm chừng 1,8 đến hơn 2 triệu đồng/lượng so với chiều qua. Hiện biên độ mua - bán đang được nới rộng do các đơn vị kinh doanh vàng phòng trừ rủi ro mỗi khi thị trường biến động mạnh.


Thu Hằng
'Ế' 12.000 lượng vàng trong phiên đấu thầu lớn nhất
'Ế' 12.000 lượng vàng trong phiên đấu thầu lớn nhất

Kết thúc phiên đấu thầu, đã có 21 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đấu thầu thành công 40.000 lượng vàng trong tổng số 52.000 lượng vàng được đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN