Trước đây, những năm 2009 – 2010, hoàn cảnh gia đình anh Mã Văn Cương rất khó khăn khi cha anh mất, vợ anh sinh con đầu lòng, anh vừa đi học trung cấp chính trị, vừa làm Phó Bí thư Đoàn xã với đồng lương ít ỏi 560 ngàn đồng/tháng. Khi ấy kinh tế gia đình phụ thuộc vào 1ha rẫy trồng lúa và trồng cà phê. Thế nhưng, mảnh đất Cư Elang là đất cát thịt không thích hợp cho cây lúa, cây cà phê khiến cho thu nhập bấp bênh, không đủ để gia đình trang trải chi tiêu.
Qua tìm hiểu, anh Cương nhận thấy thổ nhưỡng của vùng đất nơi mình ở thích hợp cho cây có múi. Vừa tìm tòi, tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn, anh vừa học hỏi kinh nghiệm từ những gia đình đã trồng hiệu quả. Năm 2014, vợ chồng anh Cương mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 30 triệu đồng để mua cây cam, quýt giống về trồng. Thời gian đầu, gia đình chủ trương “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh bắp, đậu các loại và chăn nuôi để có thu nhập, trang trải trong những tháng ngày đợi thành quả từ vườn cây ăn trái.
Anh Mã Văn Cương tâm sự, khi mới bắt đầu trồng cây ăn trái, anh gặp nhiều khó khăn về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn và việc lựa chọn cây giống, đầu ra sản phẩm. Thế nhưng với sự nhiệt huyết của sức trẻ, vợ chồng anh vừa học hỏi kiến thức, vừa khắc phục khó khăn, tích góp kinh nghiệm để nuôi, trồng hiệu quả.
Nhờ siêng năng, nỗ lực vươn lên, hai vợ chồng anh Cương đã mở rộng diện tích rẫy, từ 1ha ban đầu lên 4ha như hiện nay. Bên cạnh cây chủ lực là cam, quýt, anh còn tìm tòi và trồng thêm nhiều loại cây ăn trái như bưởi, vú sữa, vải, chanh dây, na, lựu. Trời không phụ công người, năm 2016, vườn cam, quýt của gia đình anh cho thu hoạch, kinh tế gia đình dần ổn định và phát triển. Năm 2017, 4.000 cây cam, quýt của gia đình cho thu hoạch trên 40 tấn, thu nhập trên 500 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh còn có nguồn thu từ hàng ngàn con gà, 20 – 60 con lợn, các loại cây trồng khác, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Ông Đỗ Văn Hưu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, mô hình kinh tế của gia đình anh Mã Văn Cương được chính quyền xã và người dân đánh giá cao. Vợ chồng anh Cương đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, mạnh dạn đầu tư để thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình ngày càng khá giả. Với đặc trưng là xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 63% và hơn 500 ha cây ăn trái, mô hình kinh tế đa cây, đa con theo hướng VietGap của gia đình anh Cương đang là mô hình được đông đảo người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm để đầu tư sản xuất.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Cương cho biết, gia đình đang chuyển đổi vườn cây ăn trái từ sử dụng phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ, tạo sản phẩm cam – quýt sạch. Cuối năm 2017, bước đầu gia đình anh thu được gần 6 tạ cam, quýt sạch, giá bán từ 20 – 25 ngàn đồng/kg, ổn định và cao hơn giá thị trường.
Anh Cương chia sẻ, mô hình trồng cam – quýt hữu cơ giai đoạn đầu sẽ khó khăn vì cây cần dinh dưỡng cao, cần nguồn nhân công nhiều và quả có mẫu mã không bắt mắt. Thế nhưng chuyển sang trồng cam – quýt sạch, vợ chồng anh được nhiều cái lợi như cần vốn ít hơn, trái để được lâu hơn sau khi thu hoạch, đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng, giá bán ổn định và được công ty bao tiêu sản phẩm.
Năm 2016, anh Cương được Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Đắk Lắk biểu dương là cán bộ Hội tiêu biểu cấp tỉnh, mô hình kinh tế của anh được chọn là một trong 20 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu cấp tỉnh. Nghị lực vươn lên của anh không những được đánh giá cao trong tìm tòi lao động sản xuất mà còn trong nghị lực học vấn và những cống hiến cho địa phương. Từ năm 2010 – 2016, anh vừa làm Phó Bí thư Đoàn xã, Bí thư Đoàn xã, làm kinh tế gia đình vừa theo học và hoàn thành lớp trung cấp chính trị, bằng Đại học Luật tại chức.
Anh Hoàng Bình Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk nhận xét, anh Mã Văn Cương là người có nhiều giải pháp tích cực thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên vào tổ chức Đoàn, giúp đỡ đoàn viên thanh niên về cây giống và kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế. Ngoài ra, anh còn vận động được các nguồn lực để tổ chức các hoạt động tình nguyện như cấp phát thuốc miễn phí, xây dựng nhà nhân ái cho hộ nghèo, tặng sách vở cho học sinh nghèo; qua đó góp phần khởi sắc công tác Đoàn tại địa phương.
Hiện nay, anh Cương đang tìm hiểu về phân trùn quế để sử dụng cho mô hình trồng cây ăn trái sạch của mình. Mong mỏi của anh là kỹ thuật về trồng, chăm sóc cây ăn trái theo quy trình VietGap sẽ được tập huấn, lan rộng ở địa phương, giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Đến vùng quê Cư Elang dịp này mới thấy sự khô cằn của đất, giao thông khó đi, người dân còn cực nhọc với nương rẫy, đời sống chật vật với điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa. Thế nhưng, với sự cần mẫn vươn lên của sức trẻ, thanh niên Mã Văn Cương đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ vùng khó Cư Elang, khích lệ phong trào thanh niên nỗ lực sản xuất kinh doanh giỏi nhằm góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển, đời sống người dân đi lên, xóa nghèo bền vững.