Lai Châu: Nhiều hộ nghèo chưa "mặn mà" với các khoản vay ưu đãi

Hiện nay, tại tỉnh Lai Châu nhiều hộ nghèo vẫn chưa "mặn mà" với các khoản vay tín dụng ưu đãi từ các hội, đoàn thể, các tổ chức tín dụng.


Phát triển nghề dệt vải thổ cẩm tại Hợp tác xã dệt may thổ cẩm Mường Cang, huyện Than Uyên nhờ vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, hầu hết các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều có các Phòng giao dịch tiết kiệm và vay vốn đặt tại các xã, mức lãi suất từ 0,65% - 0,9%. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn triển khai chương trình cho vay 5 triệu đồng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với lãi suất 0% lãi suất.


Tuy nhiên, trên thực tế, khái niệm vay vốn với những hộ nghèo còn rất mới. Hơn nữa, những hộ nghèo đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, thậm chí nhiều người cho biết nếu có vay tiền, họ cũng không biết... sử dụng làm gì. Còn một số khác thì vay tiền để đi mua sắm đồ dùng gia đình, phục vụ nhu cầu thụ hưởng của cá nhân, bởi họ nghĩ rằng vốn xóa đói giảm nghèo là để “no cái bụng trước”. Có trường hợp, đến thời gian đáo hạn, dân thấy cán bộ tín dụng đến là... chạy trốn do không có tiền trả lãi.


Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lai Châu Vũ Thị Liên cho biết: Hiện nay, rất khó “mời” hộ nghèo vay vốn. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách trợ giúp ở nhiều hộ nghèo khiến khoản vay ấy được sử dụng kém hiệu quả. Giám đốc Ngân hàng Chính sách Lai Châu, ông Lê Xuân Hùng cũng cho rằng: Một trong những khó khăn lớn khi tiếp cận các hộ dân tộc thiểu số nghèo là bất đồng ngôn ngữ, cán bộ tín dụng phải thuộc tiếng địa phương mới có thể tuyên truyền cho dân hiểu được. Ngoài ra, nhiều hộ vay còn không biết chữ và không biết nói tiếng phổ thông, nên gặp khó khi làm thủ tục vay vốn.


Để tạo điều kiện cho các hộ nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tiếp cận nguồn vốn có hiệu quả, nên chăng, đội ngũ cán bộ tín dụng địa phương cần tích cực tuyên truyền, định hướng cho các hộ vay cách sử dụng nguồn vốn hợp lý, tạo niềm tin thay đổi tập quán sản xuất, sử dụng vốn đúng mục đích. Các Hội, đoàn thể, các tổ chức tín dụng cũng cần phối hợp với chính quyền địa phương, huy động giáo viên, biên phòng, bộ đội giúp đỡ, vận động phổ biến các chính sách, chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ vốn cho những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.


Quang Duy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN