Cải tổ Hội đồng bảo an LHQ:

Lạc quan thận trọng

Sau cuộc bỏ phiếu kín ngày 12/10 tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an (HĐBA), cơ quan quyền lực cao nhất của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này, đã đón nhận 5 thành viên không thường trực mới. Đó là những gương mặt “đang lên” tại các châu lục mà họ đại diện: Ấn Độ, Nam Phi, Đức, Bồ Đào Nha và Côlômbia. Giới phân tích kỳ vọng với một bộ khung “tầm cỡ”, gồm 5 thành viên thường trực (Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc), cùng các nước không thường trực hiện nay (Bôxnia Hécxêgôvina, Braxin, Gabông, Libăng và Nigiêria), 5 thành viên mới sẽ góp phần tạo nên một tiếng nói mạnh mẽ, thúc đẩy tiến trình cải tổ HĐBA.

Các nước thành viên không thường trực mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm từ ngày 1/1/2011 tới, thay các nước kết thúc nhiệm kỳ là Áo, Nhật Bản, Mêhicô, Thổ Nhĩ Kỳ và Uganđa.

Giới chuyên gia nhận định, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại và phát triển (ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ II), trong thành phần HĐBA LHQ hội tụ những siêu cường và đại diện các nền kinh tế đang lên hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Braxin, Trung Quốc…., những nước đóng vai trò trung tâm trong khu vực mà họ đại diện. Với Nigiêria và Nam Phi, châu Phi cũng có được đại diện xứng đáng của mình. Đáng nói là trong các nước thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2011-2012 cũng có tới 5 nước (Ấn Độ, Nam Phi, Đức, Braxin và Nigiêria) đang nuôi hy vọng tìm kiếm một ghế thường trực đầy quyền lực thông qua một cuộc cải tổ HBĐA. Rõ ràng, đây là cơ hội để các nước hợp lực để đẩy nhanh tiến trình thương lượng không mấy dễ dàng đã “giậm chân tại chỗ” sau nhiều thập kỷ này.

Khi HĐBA tổ chức phiên họp đầu tiên ngày 17/1/1946 tại Luân Đôn (Anh), cơ quan này có 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết, cùng 6 thành viên không thường trực, được bầu luân phiên hai năm một lần phân chia theo địa lý. Năm 1965, HĐBA được mở rộng thêm 4 ghế không thường trực, nâng tổng số thành viên lên 15 và cơ cấu này được duy trì tới ngày nay.

Trong một thế giới đầy biến động như hiện nay, nhu cầu cải tổ HĐBA càng trở nên cấp bách hơn. Nhiều nước cho rằng cơ cấu phân chia các ghế thành viên thường trực trong thể chế này không còn phù hợp nữa, đặc biệt liên quan tới sự lớn mạnh của các nước đang phát triển.

“Bão” tài chính vừa qua một mặt đã phơi bày những góc khuất của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt là Mỹ, một mặt đã cho thấy sức mạnh nội tại của các nền kinh tế mới nổi, cụ thể là Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin. Các nước này đã trở thành đầu tàu vượt khủng hoảng của thế giới và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong các vấn đề quốc tế. Vì thế, tiếng nói không có trọng lượng của các nước đang phát triển, chiếm tới 2/3 trong số 152 nước thành viên LHQ, là một nghịch lý và gây mâu thuẫn trong nội bộ tổ chức này. Các nước đang phát triển lập luận rằng sự hiện diện lớn hơn của họ, đặc biệt là đại diện khu vực châu Phi, sẽ giúp HĐBA làm tốt hơn tôn chỉ mục đích hành động của mình, đó là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Ngoài ra, thế giới của thế kỷ 21 đã thay đổi rất nhiều so với thế giới sau khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Không chỉ đối mặt với các nguy cơ an ninh truyền thống, thế giới ngày nay còn phải giải quyết các thách thức phi truyền thống như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… đòi hỏi sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết của cộng đồng quốc tế. Từ đó đặt ra yêu cầu cải tổ HĐBA theo hướng phản ánh đúng thế giới đương đại. Khái quát lại, HĐBA phải là ''mẫu số chung'' của các vấn đề có liên hệ mật thiết với nhau và cải tổ là cần thiết để có thể biến cơ cấu này thành một cơ quan có tính đại diện hơn, có trách nhiệm hơn và vận hành hiệu quả hơn.

Tiền đề là vậy, song thực hiện và kết quả mới là vấn đề phải bàn tới, vì cải cách HĐBA không đơn giản là kết nạp thêm thành viên mới. Kể từ năm 1979, khi lần đầu tiên Đại Hội đồng đưa vấn đề cải tổ HĐBA vào chương trình nghị sự của mình theo yêu cầu của các nước đang phát triển, hàng loạt đề xuất và sáng kiến đã được trình bày và bàn thảo. Song, đến nay, tiến trình này vẫn không tiến triển.

Vì vậy, với đại diện mới của các nước đang phát triển trong cơ cấu thành viên không thường trực HĐBA, giới quan sát có lý để tin rằng tiến trình đàm phán cải tổ thể chế này sẽ có bước tiến trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn cần phải lạc quan một cách thận trọng vì thực tế, cải tổ HĐBA đòi hỏi phải tìm được một gói giải pháp có thể vừa đáp ứng được mọi lợi ích, vừa là ''đáp số'' cho những vấn đề của các tất cả các khu vực và các nước. Và gói giải pháp này có lẽ sẽ chỉ là một viễn cảnh vì lập trường giữa các nhóm lợi ích còn quá xa nhau và không dễ gì thuyết phục các nước hiện đang giữ quyền phủ quyết chi phối HĐBA lại chia sẻ quyền này cho các nước khác.
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN