Ngày 30/4/1975 đã lùi xa 38 năm rồi. 38 năm, 38 lần tháng tư, tôi đã viết, đã kể về bao nhiêu kỷ niệm mang tên “ Ký ức tháng tư ”, sao lòng mình vẫn thấy chẳng đủ đầy. Tháng tư này, nhân đi thắp nén hương cho Phan Thanh - một người đồng đội, đồng hương - mà chúng tôi từng gặp nhau, từng chiến đấu trong một đại đội ở mặt trận Xuân Lộc trong cuộc Tổng tiến công lịch sử tháng 4/1975 ấy, trái tim tôi lại trào dâng một ký ức, một nỗi nhớ đốt lòng…
38 năm trước, đại đội chúng tôi nằm trong đội hình của Sư đoàn Sông Lam, cùng các Binh đoàn tinh nhuệ của quân ta từ các hướng ào ạt tiến về Sài Gòn. Gọi là sư đoàn Sông Lam bởi sư đoàn này được thành lập ở Nghệ An và Hà Tĩnh, hầu hết cán bộ, chiến sĩ là người Nghệ - Tĩnh. Chấp hành Quân lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”, chúng tôi tiến quân theo phương án hành tiến. Những đoàn xe tăng T54 dũng mãnh đi trước, hễ gặp cứ điểm địch ngoan cố chống cự là dừng lại nã đạn tiêu diệt, mở đường. Những đoàn xe chở bộ binh cờ giải phóng bay phấp phới theo sau, tiếng động cơ xe ầm vang. Thường thì khi nghe tiếng xe tăng ta gầm rú, phần nhiều quân ngụy đã hồn xiêu phách lạc, vứt súng, cởi áo quần, mũ mão… tháo chạy như vịt. Trên những con đường về Sài Gòn, xe tăng, thiết giáp, quân xa, súng lớn, súng nhỏ, quần áo… Mỹ vứt bừa bãi, nhiều đoạn xe tăng ta phải húc xe pháo địch đổ xuống lề đường để mở đường cho xe kéo pháo và bộ binh ta hành tiến.
Sư đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ dừng lại tiến đánh căn cứ Xuân Lộc. Lúc đó Xuân Lộc được ngụy quyền coi là cái chốt chặn kiên cố, là vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở cửa ngõ Sài Gòn. Vì thế chúng tung vào đây một lực lượng rất hùng hậu, gồm toàn bộ quân lính sư đoàn 18, được tăng cường bọn lính dù nổi tiếng thiện chiến của sư đoàn 5, cộng thêm mấy chiến đoàn thiết giáp của sư đoàn 25. Cả Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu đến quan lính đều hùng hổ tuyên bố tử thủ. Ngày đó tôi đang là đại đội trưởng đại đội 3. Trong trận chiến đấu giải phóng Xuân Lộc, ngay trong đại đội tôi nhiều đồng đội, trong đó có Phan Thanh đã anh dũng hy sinh.
Được lên dây cót tinh thần bằng món tiền gần chục vạn đồng cho đơn vị nào tử thủ được Xuân Lộc, bọn địch điên cuồng chống cự. Trên trận địa do đại đội tôi đảm nhận, quân ngụy co cụm lại trong mấy lô cốt, ụ súng gần nhà thờ dùng đại liên, M72, M79 bắn trả ta xối xả. Nhiều cán bộ, chiến sĩ ta trúng đạn hy sinh. Ta và địch giành giật nhau từng thước đất, từng ngôi nhà. Mấy khẩu B40, B41 của đại đội tập trung phóng đạn về phía địch, nhưng hỏa điểm này vừa bị dập tắt thì ngay lập tức hỏa điểm khác đã xuất hiện. Rõ ràng là dưới các hỏa điểm kia là hầm ngầm. Đã có hầm ngầm thì tiêu diệt các ổ đề kháng địch trên mặt đất chẳng khác gì bóc ngoài vỏ, không thể chạm vào lõi của chúng được. Phải đánh sập hầm ngầm đó mới tiêu diệt được hoàn toàn quân địch. Tôi đã nghĩ đến cách cho bộc phá viên ôm bộc phá lên đánh, nhưng thấy địa hình trống trải quá, lao lên trong làn đạn địch giữa ban ngày ban mặt thế này, sợ không thành, nên đang ngập ngừng. Bỗng phía trung đội 2, bóng một người lính ôm quả bộc phá 5 kg vọt lên. Tôi nhận ra đó là Phan Thanh, tân binh mới được bổ sung về đơn vị. Ngày ấy tôi chỉ biết Thanh cùng quê với tôi, ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Từ chỗ chiến hào Thanh vừa lao lên đến hầm ngầm địch xa chừng 100 mét. Tôi đấm mạnh tay xuống đất thét lạc cả giọng:
- Toàn đại đội tập trung hỏa lực yểm hộ cho đồng chí Thanh!
Tất cả súng trong đại đội nhằm hỏa điểm địch khạc đạn. Đạn chúng tôi bắn đi, đạn địch bắn tới đan nhau chằng chịt, bụi đất bị cày xới mù mịt vây quanh Thanh. Thanh vẫn bình tĩnh lúc trườn, lúc bò, lúc ngớt tiếng súng thì chồm lên lao tới nhảy vào một hố đạn pháo gặp bất chợt trên bãi đất. Quãng đường chưa đầy 100 mét mà tôi cảm thấy như dài dằng dặc. Gần đến hỏa điểm địch, đột nhiên bằng một cú nhảy, Thanh khuất hẳn sau một ụ súng. Từ đó vang lên mấy loạt điểm xạ AK rồi một ánh chớp sáng rực, đỏ khé, cùng cột khói hình nấm bốc lên đen kịt kéo theo tiếng nổ lộng óc của quả bộc phá 5 kg. Những mảng bê tông nát vụn, những khẩu súng, xác địch cùng đất đá bay tung lên, rơi lả tả trong cột khói. Tiếng súng địch câm bặt. Không đợi lệnh tôi, cả đơn vị ào lên trong tiếng xung phong khản đặc, nấc nghẹn… Khi chúng tôi ào đến, thấy Thanh đang nằm sấp ngay trên cửa hầm ngầm cố thủ của địch, đôi mắt Thanh còn hé mở và trên đôi môi mòng mọng như con gái của anh đang thấp thoáng một nét cười.
Cả đại đội ngả mũ đứng vây quanh Thanh. Tôi quỳ xuống vuốt mắt cho anh, thầm thì: “Thanh ơi nằm lại yên nghỉ nhé. Sài Gòn sắp giải phóng rồi Thanh ạ. Chúng mình thay mặt Thanh vào Sài Gòn đây! Thanh ơi!”
Hôm đó là chiều ngày 12/ 4/1975!
38 năm đã đi qua, đất nước đang từng ngày đổi mới trên mỗi bước đi của mình. Cuộc sống người dân ngày càng đi lên, càng ấm no, hạnh phúc. Những người lính chúng tôi ngày ấy hầu hết đã trở về với đời thường, nhưng hình ảnh người lính trẻ ôm bộc phá xông lên dưới một trời đạn lửa trên mặt đất trần trụi, lỗ chỗ hố đạn, trong cái nắng phương Nam chói chang, không bao giờ phai mờ, nguôi ngoai trong trái tim chúng tôi. Từ ấy đến nay, đã thành lệ, cứ như một điều nguyện ước thiêng liêng, cứ đến tháng tư hàng năm, chúng tôi, những đồng đội của Phan Thanh lại tìm về thị trấn Nghi Xuân thắp cho anh nén hương lòng. Bởi trong mỗi chúng tôi, Thanh đã hóa thân vào ký ức mỗi người, phục sinh bao điều tốt đẹp trong cuộc đời này…Thanh vẫn còn sống mãi…!
Nghi Xuân tháng 4/2013
Nguyễn Xuân Diệu