Năm nào cũng vậy, khi những đám mạ gieo trước Tết Nguyên đán đã đủ tốt là dân làng tôi lại chuẩn bị bước vào một mùa cấy hái mới. Bình thường, mùa cấy lúa xuân - hè bắt đầu trong tết, nhưng năm nay do cái rét tê tái kéo dài bất thường cả tháng trời đã làm cho hầu hết diện tích mạ gieo bị chết và người nông dân phải gieo lại toàn bộ mạ xuân đợt hai. Chính vì lẽ đó mà mùa cấy năm nay vừa mới bắt đầu cách đây được ít hôm.
Ngày còn nhỏ, hễ bước vào mùa cấy là mẹ con tôi tranh thủ cấy thật nhanh gần 1 mẫu được giao khoán, dành khoảng thời gian còn lại trong mùa đi cấy thuê.. Mỗi mùa cấy mẹ tôi thường nhận cấy khoán cho mấy gia đình quanh xóm. Nhà thì vài sào, nhà khoảng nửa mẫu… Việc định giá cả cấy thuê có thể là cấy công nhật nghĩa là đi cấy cùng chủ, được ăn cơm và cuối buổi chủ trả tiền công theo thỏa thuận. Cũng có thể, chủ khoán theo hình thức tự mình làm xong rồi nhận tiền công.
Tôi còn nhớ ngày học lớp 5, mặc dù nhỏ thó, việc làm chưa thật thạo vậy mà mẹ đã nói tôi ra đồng để cấy cùng. Mẹ tôi hay nhận nhiều ruộng để cấy thuê. Một phần vì bà tham công tiếc việc, phần khác vì mẹ không muốn từ chối sự tin tưởng có ý trợ giúp của xóm giềng. Tôi cấy đám ruộng nào thì khóm lúa ngả nghiêng, nát bươm. Nhưng mẹ vừa cấy vừa dạy tôi từng chút một, nên chỉ sau có mấy hôm tôi đã khá thành thạo, tuy không thể cấy nhanh bằng chị, bằng mẹ tôi nhưng hàng lối cũng đã ngay ngắn.
Vì “đào tạo” được thêm nên có hôm 1 sào ruộng cấy khoán ba mẹ con tôi chỉ cấy loáng trong buổi sáng là xong. Thấy chị em tôi vất vả mẹ thường động viên: “Nhà mình nghèo, vì vậy các con cũng phải cố gắng làm cùng mẹ. Tranh thủ mùa cấy có nhiều việc mẹ mới nhận lời người ta…”. Thực ra, chẳng cần phải đợi mẹ động viên chị em chúng tôi cũng không bao giờ phàn nàn dù cho ngày nào cũng phải cấy lúa từ sáng sớm tới tối mịt mới được trở về nhà.
Thường thường ba mẹ con cấy thông luôn buổi trưa, cha tôi vẫn luôn là người vừa phải đi cày bừa, vừa phải tranh thủ về nấu cơm mang ra đồng cho mẹ con tôi ăn. Trong tâm trí của tôi vẫn còn hình ảnh của ngày xưa ấy, khi mà dưới ánh trăng đêm mẹ con tôi vẫn cặm cụi cấy lúa thuê, cố gắng cấy xong đám ruộng mới nghỉ ngơi, vì ngày mai lại có đám ruộng nhà khác đang chờ thuê cấy.
Mỗi mùa cấy thường kéo dài khoảng hơn chục ngày. Quãng thời gian ấy cả nhà đều rất vất vả, mệt mỏi, nhưng bù lại nhà tôi lại kiếm được mấy trăm ngàn đồng, nếu quy ra thóc cũng có thể mua được vài ba tạ. Khi buổi cấy thuê cuối cùng trong mùa kết thúc, mẹ tôi thường đi chợ mua rất nhiều đồ ăn ngon, nào thịt, nào cá, cả hoa quả để bồi dưỡng cho cả nhà, gọi là buổi tổng kết. Mẹ cũng không quên mua cho các con bộ quần áo mới, gọi là “thưởng công”. Bố tôi cũng có phần, vì mẹ là người rất chu đáo. Thế nhưng, tôi thấy mẹ chẳng mua sắm gì cho mình cả, quanh năm suốt tháng vẫn chỉ vài bộ áo quần sờn nâu, vá víu, bạc màu.
Bao mùa cấy tiếp nối qua đi, thời gian trở lại đây, gia đình tôi đã đủ đầy hơn, mẹ tôi không còn cấy thuê nữa. Chúng tôi cũng đã lớn khôn và dần thoát ly, nhưng thi thoảng tôi vẫn trở về quê vào mùa cấy để được cùng mẹ cấy lúa trên vài vạt ruộng nhà mình còn sót lại sau trào lưu đô thị hóa. Những lúc được lội ruộng như vậy thực sự quý giá và thời khắc của những ký ức tuổi thơ đầy gian khó, vất vả nhưng vô cùng đẹp đẽ lại hiện về như một thước phim quay chậm…
Nguyễn Long