Kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam: Người cựu chiến binh làm giàu cho quê hương

Khai thác hiệu quả tiềm năng của quê hương, cựu chiến binh Đoàn Ngọc Sơn (55 tuổi) ở xã Yên Nhân, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, đã làm giàu cho gia đình, quê hương và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

 

Ông Sơn tâm sự: Năm 1990, sau 10 năm phục vụ trong quân đội, ông xuất ngũ trở về quê hương. Lúc đó, nhà có 5 miệng ăn, nhưng chỉ trông vào nguồn thu nhập từ 7 sào ruộng. Những năm mất mùa, cuộc sống của gia đình ông đã nghèo lại càng thêm nghèo.

 

Cựu chiến binh Đoàn Ngọc Sơn hướng dẫn công nhân may.


Bước ngoặt của kinh tế gia đình bắt đầu từ khi ông được bà con tín nhiệm bầu làm đội trưởng sản xuất của Hợp tác xã Vĩnh Yên, xã Yên Nhân. 10 năm công tác tại hợp tác xã, ông Sơn đã nhận ra tiềm năng của địa phương là có lực lượng lao động nông nhàn khá dồi dào; xã lại chỉ cách vùng nguyên liệu cói của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Nga Sơn (Thanh Hóa) chừng hơn 10 km, rất thuận lợi cho việc phát triển nghề thủ công truyền thống. Tháng 2/2002, ông đã huy động mọi nguồn vốn trong gia đình, vay thêm từ bạn bè, đồng đội và vay Quỹ tạo việc làm của tỉnh, tất cả được 230 triệu đồng. Có vốn trong tay, ông Sơn thuê 1.500 m2 đất của xã ở thôn Quyết Trí và xây dựng nhà xưởng, thành lập doanh nghiệp tư nhân Thành Sơn, chuyên sản xuất các mặt hàng từ cói, bèo bồng. Khởi đầu, doanh nghiệp có 15 lao động cố định và hơn 300 người làm thời vụ.


Cùng với việc tập trung sản xuất các mặt hàng như thảm cói, túi cói phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, ông Sơn đã liên hệ với những cơ sở sản xuất hàng thủ công lớn trong tỉnh, tìm đầu ra cho sản phẩm. Làm ăn có uy tín, được các doanh nghiệp trong tỉnh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã giúp doanh nghiệp của ông ổn định sản xuất và thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi ngay trong năm đầu tiên.


Bên cạnh việc tìm kiếm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, phát triển đội ngũ lao động lành nghề, đơn vị đã hợp tác với các doanh nghiệp ở Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình xuất khẩu hàng hóa sang các nước Nhật, Nga, Mỹ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp thu lãi trên 250 triệu đồng/năm và nâng mức thu nhập của người lao động từ 30.000 đồng/người/ngày lên 50.000 đồng/người/ngày, đồng thời tạo việc làm cho gần 1.000 lao động nông nhàn ở các xã trong huyện.


Tuy nhiên, năm 2009, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Nhiều đối tác trong và ngoài nước lần lượt hủy hợp đồng, khiến hàng hóa bị tồn kho lên tới khoảng 600 triệu đồng, sản xuất đình trệ, hàng loạt lao động phải nghỉ việc.


Bằng sự mẫn cảm với thời cuộc, Giám đốc Đoàn Ngọc Sơn đã mạnh dạn đầu tư vốn mua 60 máy may công nghiệp, xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng, đào tạo lao động gia công hàng may mặc cho các doanh nghiệp ở Hà Nội và một số tỉnh trong khu vực. Nhờ nguồn hàng từ nghề may khá ổn định nên từ năm 2010 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã cơ bản phục hồi, đáng chú ý có những năm đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng.


Năm 2013, khi thị trường xuất khẩu mặt hàng cói, bèo bồng được phục hồi, doanh nghiệp tư nhân Thành Sơn đã cơ bản giải phóng được kho hàng tồn đọng. Cùng với việc duy trì các hợp đồng gia công hàng may mặc, ông Sơn quyết định trở lại sản xuất các mặt hàng cói, bèo bồng. Hiện doanh nghiệp Thành Sơn giải quyết việc làm ổn định cho trên 40 công nhân may với mức lương từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ ăn ca, thưởng tiền chuyên cần và có các chế độ trong dịp lễ, Tết. Ngoài ra, doanh nghiệp còn tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động làm hàng cói, bèo bồng ở trong và ngoài xã.


Với những thành tích trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, doanh nghiệp của cựu chiến binh Đoàn Ngọc Sơn đã nhiều lần được nhận lãnh đạo tỉnh Ninh Binh biểu dương và trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho quê hương.

Bài và ảnh: Vũ Văn Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN