Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII: Khẳng định mục tiêu, con đường phát triển đất nước

Ngày 4/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo nhân dân, cử tri cả nước cùng theo dõi.

 

Nhà nước ta là nhà nước dân chủ


Về tên nước, ý kiến của các đại biểu trên diễn đàn Quốc hội đều tán thành với phương án tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các ý kiến đồng nhất, tên gọi này thể hiện rõ hình thức chính thể của nước ta là cộng hòa, bản chất của nhà nước ta là nhà nước dân chủ; đồng thời tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, trải qua 37 năm, tên gọi này đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phát biểu ý kiến.
Ảnh: Nguyễn Dân-TTXVN


Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã xây dựng phương châm hoạt động của mình dựa trên cơ sở tên nước như trên, đó là đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Phương châm này đã nhận được sự tán đồng của đông đảo cộng đồng tăng ni, phật tử trong nước và ra sức thực hiện, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.


Đại biểu Quàng Thị Nguyên (Sơn La) cho rằng, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay là không cần thiết và sẽ làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp. Hơn nữa, việc quy định tên nước như hiện nay là nhằm tiếp tục khẳng định mục tiêu, con đường xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

 

Giám sát việc tuân thủ Hiến pháp


Là một quan điểm mới, việc xây dựng Hội đồng Hiến pháp cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau xung quanh sự cần thiết, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của thiết chế này. Những ý kiến đồng tình với quan điểm này cho rằng, quy định về Hội đồng Hiến pháp như trong Dự thảo không mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời thể hiện nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) phân tích, chúng ta đang xây dựng nhà nước theo mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập là bước đổi mới cần thiết, phù hợp với tình hình mới của đất nước. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị, cần đặt tên thiết chế này là Hội đồng Bảo hiến (Hội đồng bảo vệ hiến pháp); đồng thời bổ sung vào chức năng, nhiệm vụ Hội đồng Bảo hiến báo cáo kết quả hoạt động đối với Quốc hội. Đại biểu đề nghị Chủ tịch nước sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo hiến, để thay mặt Hội đồng này kiến nghị với Quốc hội xem xét lại những điều luật và yêu cầu các cơ quan hủy bỏ những văn bản vi hiến.


Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị cần bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn đối với thiết chế này cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, cần nghiên cứu mô hình bảo hiến độc lập. Cùng quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng việc thành lập Hội đồng Bảo hiến là phù hợp nhưng cần tăng thêm quyền hạn cho Hội đồng này với các thẩm quyền: đình chỉ, hủy bỏ văn bản vi hiến của các cơ quan Nhà nước khi đã đề nghị hủy bỏ mà không được thực thi.

 

Nâng cao hiệu quả nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN


Việc chọn lựa có hay không đặt kinh tế Nhà nước là thành phần kinh tế giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần phù hợp với đặc điểm đất nước, nhận được nhiều ý kiến khác nhau trong buổi thảo luận chiều qua.


Nhiều ý kiến chọn lựa phương án ghi trong dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.


Tán thành sự lựa chọn này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, hiện nay nền kinh tế nước ta gồm 5 thành phần kinh tế; nhưng trong đó chỉ duy nhất kinh tế Nhà nước mới có thể giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế. Bởi, khối doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những lĩnh vực then chốt, quan trọng nhất của đất nước, đảm bảo điều tiết cho nền kinh tế trong thời bình cũng như thời chiến.


Cũng lựa chọn phương án trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, quy định như vậy thể hiện rõ bản chất nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại biểu mong muốn, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần công khai quy định bản chất của nền kinh tế, lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo.


Có quan điểm khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) chọn phương án 3 như trong Dự thảo: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”. Đại biểu cho rằng: Nền kinh tế có cạnh tranh lành mạnh, có sự phân bố hợp lý thì sẽ mang lại hiệu quả cao cho Nhà nước và xã hội; đồng thời có điều kiện thực hiện chính sách xã hội chủ nghĩa như giáo dục, y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…


Đại biểu Đặng Thành Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định: Kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo. Đại biểu dẫn chứng, rất nhiều nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới đều thành công trên nền tảng kinh tế trong nước là nòng cốt. Việc quy định như vậy cũng mở ra cơ hội để hình thành những tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam vươn lên tầm quốc tế.

 

Tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương


Nội dung chính quyền địa phương cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến trong buổi làm việc chiều nay. Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo hiến định việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, cần xác định lại đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở từng đơn vị hành chính. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tổng kết đánh giá những đề án thí điểm liên quan đến chính quyền địa phương trước khi thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.


Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, thực tế cho thấy, việc quy định một mô hình đồng nhất ở ba cấp trên các địa bàn giống nhau là không hợp lý, bất cập, nên cần thiết phải thay đổi. Yêu cầu quản lý nhà nước ở mỗi địa bàn là khác nhau, đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định theo hướng xây dựng mô hình chính quyền địa phương một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa của mỗi vùng, miền.


Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) băn khoăn: Vấn đề tổ chức bộ máy chính quyền các cấp là vấn đề lớn. Nếu giữ như mô hình hiện nay, thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới bộ máy chính quyền cơ sở theo xu thế tình hình phát triển đất nước.


Dẫn chứng, một số địa phương đã tổ chức thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, các đại biểu Bùi Văn Xuyền, Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình thí điểm không xảy ra những vấn đề bất thường, kinh tế - xã hội của địa phương vẫn phát triển tốt, an ninh, chính trị vẫn ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo.


Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị, trước khi Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, cần tổng kết thí điểm mô hình không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường để định hình rõ bộ máy này. Đại biểu đề nghị, cần hiến định chính quyền địa phương với các yếu tố cấu thành như: Có cơ chế thành lập cụ thể, chức năng, bộ máy, cần thực quyền, chuyên nghiệp, không chồng chéo, trùng lắp, không cào bằng ở mọi cấp hành chính.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN