Gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cả về số lượng và chủng loại. Đây là thời điểm được nhiều đối tượng lợi dụng để đưa các loại thực phẩm bẩn từ các tỉnh vào TP Hồ Chí Minh.
Thịt "bẩn" vào thành phố
Những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm của thị trường tăng cao vì ngoài nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân thì các cơ sở chế biến thực phẩm Tết cũng cần một lượng lớn. Do đó, đây là cơ hội để các đối tượng buôn bán, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch tuồn vào thành phố tiêu thụ.
Những ngày cuối năm là cơ hội cho các đầu nậu đưa gia súc, gia cầm trái phép vào thành phố. |
"Thông thường, các loại thực phẩm từ các tỉnh vào thành phố phải đi qua các trạm kiểm dịch như: Thủ Đức, Bình Chánh, An Lạc, Hóc Môn... Tuy nhiên, để có thể dễ dàng đưa thực phẩm "bẩn" vào thành phố tiêu thụ, các đối tượng thường đi bằng đường tắt, vận chuyển nhỏ lẻ bằng xe máy hoặc bằng xe buýt...", ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.
Tại các trạm thú y như Thủ Đức, Bình Chánh, An Lạc, Hóc Môn..., hầu như ngày nào lực lượng chức năng cũng phát hiện các vụ vi phạm về vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trái phép. Cụ thể, vào ngày 2/1, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện 257 kg thịt vịt, gà không rõ nguồn gốc và không có giấy kiểm dịch. Trước đó, tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, lực lượng kiểm tra cũng phát hiện xe khách 16 chỗ chở 550 kg thịt heo không có giấy kiểm dịch vào thành phố tiêu thụ.
Còn theo Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh, trong những ngày đầu của tháng 1/2014, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều vụ vi phạm trong vận chuyển thực phẩm chưa qua kiểm dịch từ các tỉnh vào thành phố. Theo đó, tổ công tác liên ngành đã giao cho Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh xử lý gần 7 tấn thịt gia súc, gia cầm, hơn 2.000 quả trứng gà, vịt.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Thú y TP Hồ Chí Minh, cho biết: Vào những ngày cuối năm, nhu cầu sử dụng gia súc, gia cầm của người dân tăng, tạo cơ hội cho các đối tượng buôn bán gia súc, gia cầm trái phép ồ ạt đưa các loại thịt "bẩn" vào thành phố. Các loại thịt "bẩn" đa phần đều có nguồn gốc từ gia súc bị bệnh hoặc chưa qua kiểm dịch. Vì vậy, nếu người dân sử dụng phải loại thịt này thì nguy cơ lây bệnh cho người và cho gia súc, gia cầm là rất cao.
Tăng cường kiểm soát ở các cửa ngõ
Để ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn đổ về thành phố, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ vào thành phố. Đồng thời, các điểm nóng bán gia cầm sống trái phép tại các khu vực giáp ranh quận, huyện cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, Chi cục còn tăng cường phối hợp với ban quản lý chợ kiểm tra việc bày bán thịt gia cầm, gia súc tại các chợ để hạn chế tối đa các nguy cơ.
Đánh giá về công tác này, ông Phan Xuân Thảo cho rằng, hiện nay, công tác ngăn chặn thực phẩm "bẩn" vào thành phố gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các đối tượng vận chuyển rất tinh vi, dùng rất nhiều chiêu trò nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Để ngăn thực phẩm bẩn vào thành phố, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa phần "gốc" và phần "ngọn". Ngoài việc tăng cường rà soát việc buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm lậu tại các cửa ngõ ra vào thành phố, cần phải xử lý tận gốc tình trạng trên bằng cách phối hợp với các địa phương, phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm.
Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm trong dịp Tết. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm soát tình hình vận chuyển, giết mổ kinh doanh gia cầm trên địa bàn, tại các trạm kiểm dịch động vật, đầu mối giao thông, các tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh, các cửa ngõ ra vào thành phố và vùng giáp ranh các tỉnh. Đồng thời, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng triệt phá các đối tượng đầu nậu, các địa điểm tập kết, thu gom, kinh doanh trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc.
Bài và ảnh: Đan Phương