Kịch bản nào cho Ai Cập?

Ai Cập đã chính thức rơi vào vòng xoáy bất ổn mới và đang hướng tới một cuộc nội chiến thực sự. Tình hình đang diễn biến hết sức nhanh chóng theo chiều hướng ngày càng xấu sau cuộc tấn công ngày 14/8 của cảnh sát vào hai khu lán trại của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi khiến 638 người thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương.


Người ủng hộ Anh em Hồi giáo và ông Morsi biểu tình tại Cairo ngày 16/8. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Kể từ khi diễn ra cơn địa chấn "Mùa xuân Arập" vào đầu năm 2011 lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sau hơn 30 năm cầm quyền, Ai Cập đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn bao giờ hết. Quốc gia Bắc Phi này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn với các cuộc đụng độ đẫm máu giữa những người biểu tình ủng hộ ông Morsi và lực lượng cảnh sát được một bộ phận lớn người dân ủng hộ. Thủ đô Cairo gần như bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với các tỉnh thành khác.


Theo các nhà phân tích, Ai Cập sẽ còn phải đối mặt với tình trạng bất ổn kéo dài, nhất là tại khu vực bán đảo Sinai, nơi các chiến binh thánh chiến đang hoạt động rất mạnh. Một Ai Cập bất ổn sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các mạng lưới khủng bố quốc tế xâm nhập nhằm biến quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng hàng đầu ở khu vực Trung Đông này trở thành một chiến trường mới. Ngoài ra, nguy cơ nội chiến cũng không thể loại trừ khi hiện có khoảng 10 triệu đơn vị vũ khí tồn tại trôi nổi trong dân chúng. Ai Cập còn là nơi trung chuyển của nhiều tuyến đường buôn bán vũ khí tới Dải Gaza.


Nếu bạo lực tiếp diễn nghiêm trọng trong những ngày tới, nhiều khả năng quân đội Ai Cập sẽ phải hành động mạnh tay để vãn hồi trật tự và cô lập các cuộc biểu tình. Trong khi đó, nếu tiếp tục có những hành động quá khích và để tình trạng bạo lực vượt ngoài tầm kiểm soát, MB có khả năng sẽ bị cấm hoạt động và đối mặt với nguy cơ bị gạt ra khỏi tiến trình chính trị. Đây là điều mà tổ chức này không hề mong muốn sau nhiều thập kỷ bị đặt ngoài vòng pháp luật.


Về phần mình, chính quyền mới của Ai Cập cũng nhận thức rõ những hậu quả của việc dồn MB vào "chân tường", cũng như hiểu rõ vị thế không thể phủ nhận của MB trong đời sống chính trị đất nước.


Do vậy, vẫn còn cơ may cho các giải pháp chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay tại Ai Cập. Trước mắt, chính quyền sẽ có các động thái nhằm xây dựng lòng tin như phóng thích một số thủ lĩnh của MB hiện đang bị giam giữ, cam kết không đe dọa địa vị pháp lý của tổ chức này và đảm bảo các quyền lợi chính trị cho họ trong các cuộc bầu cử sắp tới. Về phần mình, ý thức được tình thế khó khăn hiện nay cũng như thực tế khó đảo ngược sau cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua, phe Hồi giáo sẽ có các hành động xuống thang, hạn chế các vụ đụng độ bạo lực và chấp nhận tham gia vào các cuộc đàm phán khó khăn dưới sự trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế.


Vậy là sau hơn hai năm chứng kiến và trực tiếp hứng chịu các hậu quả của tình trạng bất ổn kéo dài về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội, có lẽ hơn lúc nào hết, hơn 84 triệu người dân Ai Cập đang thực sự mong muốn đất nước nhanh chóng khôi phục ổn định và tiếp tục thực hiện những giấc mơ còn dang dở. Tuy nhiên, những mục tiêu "Tự do, bánh mỳ và công bằng xã hội" tưởng chừng rất đơn giản của người dân Ai Cập đang ngày càng trở nên xa vời khi người dân xứ Kim tự tháp tiếp tục bị lôi kéo vào cuộc chiến tranh giành quyền lực, mâu thuẫn phe phái và xung đột tôn giáo gay gắt.

 

Thế đối đầu nguy hiểm hiện nay đang ngày một leo thang khi chính quyền lâm thời Ai Cập tỏ rõ quyết tâm dùng vũ lực đập tan các cuộc biểu tình bạo lực của những người trung thành với ông Morsi.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN