Năm học này, 650 em học sinh trung học hạt Fairfax, bang Washington (Mỹ) đã nghỉ tiết học đầu tiên trong ngày để có thể “ngủ nướng” thêm một chút. Đây không phải hành động tự phát mà là kết quả của một nỗ lực vận động kéo dài hàng thập kỷ qua ở Mỹ.
Dậy muộn để học tốt hơn
650 học sinh nói trên, chiếm 5% học sinh khóa 2014 của trường trung học Robert E. Lee ở Springfield, đang tham gia chương trình học muộn SLEEP (còn gọi là “Dự án đi học muộn hơn để học tốt hơn”). Để có quyền đi học muộn, học sinh phải đảm bảo theo kịp chương trình và được phép từ bố mẹ cũng như hiệu trưởng. Học sinh cuối cấp có thể nghỉ tới hai tiết học đầu tiên nếu không thiếu tín chỉ để tốt nghiệp. Các em cũng phải tự tìm cách tới trường do không có xe buýt đưa đón vào giờ học muộn.
Học sinh bắt xe buýt đến trường khi ông Mặt trời còn chưa thức dậy. Ảnh:Washington Post |
Tiết học đầu tiên trong ngày bắt đầu lúc 7 giờ 20 ở Fairfax, một trong những giờ học sớm nhất ở khu vực Washington. Trường học ở các hạt khác như Loudoun bắt đầu muộn hơn, thường là 9 giờ.
Chương trình giờ học muộn của hạt Fairfax, độc nhất ở khu vực Washington, là bước đầu tiên giúp học sinh trong hạt có thêm giờ nghỉ ngơi. Phụ huynh và những người ủng hộ giờ học muộn đã đấu tranh hàng năm trời với lý lẽ rằng: Giờ học sớm không có lợi cho sức khỏe của học sinh và được ngủ thêm một hoặc hai tiếng vào buổi sáng sẽ khiến các em thay đổi tích cực.
Theo bà Sandy Evans, thành viên ban giám hiệu trường Robert E. Lee, chương trình này đơn giản vì không tốn kém và không gây xáo trộn nhiều cho các chuyến xe buýt. Sau khi xem xét nhu cầu chính đáng của học sinh, ban giám hiệu đã nhất trí thực hiện chương trình từ mùa thu năm 2013. Trước đây, muốn cho con ngủ thêm buổi sáng, phụ huynh phải có giấy xác nhận về sức khỏe từ bác sĩ.
Xem ra, việc “ngủ nướng” đã có tác dụng rõ rệt với một số học sinh. Bà Julie Halse kể: Con trai bà, Lucas, là học sinh cuối cấp trường trung học cơ sở Hayfield, đã nghỉ những giờ học đầu và được ngủ thêm 90 phút vào buổi sáng. Cậu có sự thay đổi lớn, tràn trề năng lượng, không còn vẻ mệt mỏi như trước và học tốt hơn. Về nhà cậu còn có thể làm bài tập trong khi trước đó, lúc nào cậu cũng kiệt sức sau cả một ngày học ở trường và cứ về là nằm vật ra ghế sa lông ngủ.
Các chuyên gia cho biết giấc ngủ rất quan trọng đối với các em ở độ tuổi đi học và các em cần ngủ 9 tiếng mỗi đêm. Theo bà Judith Owens, Giám đốc khoa giấc ngủ của Trung tâm y tế nhi quốc gia, thiếu ngủ có thể dẫn tới thay đổi tâm trạng, trầm cảm, có ý nghĩ tự tử.
Giáo viên lo ngại
Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng ủng hộ chương trình giờ học muộn khi chương trình này được đưa vào thử nghiệm. Tờ báo của học sinh trường trung học Robinson có bài xã luận phê phán những học sinh theo chương trình SLEEP: Kiểu chính sách này củng cố ý tưởng cho rằng chỉ cần đạt điều kiện tối thiểu là đủ. Nếu lý do duy nhất của việc bỏ giờ học đầu là ngủ thì điều này có vẻ không tốt lắm. Nếu bạn muốn học đại học, tốt nhất là đừng bỏ những tiết học này.
Tại một số trường trung học, chương trình giờ học muộn có vẻ không thu hút được nhiều học sinh. Ở trường trung học khoa học và công nghệ Thomas Jefferson, chỉ có 2 học sinh cuối cấp tham gia. Trường Lee chỉ có 75 trong tổng số 388 em nghỉ những tiết học đầu, tức là đến trường lúc 10 giờ 30.
Chương trình giờ học muộn khiến một số giáo viên lo rằng sẽ ít học sinh đăng ký học các môn tự chọn, tức các môn không phải là điều kiện để tốt nghiệp như tiếp thị hay tiếng Nhật. Khi không có nhiều học sinh học, các giáo viên này có nguy cơ mất việc.
Ngoài ra, những người phản đối SLEEP còn cho rằng thay đổi giờ học của trường sẽ rất tốn kém, đòi hỏi phải tăng chuyến xe buýt và mất thời gian đi lại trong khung giờ cao điểm.
Thùy Dương