Câu chuyện các cầu thủ K.Kiên Giang trước vòng đấu thứ 14 V.League 2013 phản ứng lại lãnh đạo CLB bằng cách bỏ tập, đòi lãnh đạo trả lương khiến dư luận đặc biệt quan tâm. 3 trận đấu liên tiếp trước đó, các cầu thủ K.Kiên Giang đá như mất hồn và dễ dàng gục ngã trước các đối thủ. “Rút dây động rừng”, giới bình luận cho rằng, sự việc xảy ra ở K.Kiên Giang đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới V.League 2013. Bởi khi K.Kiên Giang bỏ giải, điều đó cũng đồng nghĩa với một kết cục buồn với bóng đá nước nhà.
Nếu thực vì lý do tài chính mà K.Kiên Giang phải rời bỏ V.League thì đây sẽ là đội bóng thứ 9 rút khỏi vũ đài V.League. Đến thời điểm này, rất nhiều cầu thủ (cả cũ lẫn mới) của K.Kiên Giang đều chưa được nhận khoản tiền “lót tay” theo hợp đồng đã được ký; thậm chí có thời điểm, CLB nợ lương cầu thủ 4 tháng liền. Nhiều cầu thủ thổ lộ, cực chẳng đã họ mới hành động như vậy. Việc lãnh đạo CLB liên tục khất lần khiến niềm tin của họ với lãnh đạo CLB ngày càng cạn kiệt.
Nhiều chuyên gia nhận xét, việc K.Kiên Giang lâm vào khủng hoảng là hệ quả tất yếu từ cách làm “ăn xổi” của lãnh đạo CLB này. Đại diện lãnh đạo CLB cho biết, dù đã nỗ lực hết sức, nhưng số tiền mà CLB nhận được không đủ để trả nợ cho toàn đội bóng. Bốn doanh nghiệp lớn hứa tài trợ cho CLB, cuối cùng cũng chỉ “lời nói gió bay”. “Có bệnh thì vái tứ phương”, sau khi cầu cứu ngân sách của tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn, CLB gửi đơn cầu cứu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Câu hỏi đặt ra lúc này là VFF và VPF sẽ làm gì để cứu đội bóng xứ “chín rồng” vượt qua khủng hoảng?
Điểm lại các mùa giải trước, đã từng xảy ra tình trạng đội bóng bỏ giải giữa chừng, hoặc bị kỷ luật mà bỏ cuộc chơi. Ở mùa giải 2011, chỉ vì mâu thuẫn với VFF mà tập đoàn Hòa Phát từng tuyên bố bỏ cuộc chơi, nhưng sau những thuyết phục của Ban tổ chức giải khi ấy, CLB này nhẫn nại thi đấu đến hết mùa, rồi sau đó giải thể luôn.
Những gì xảy ra với CLB K.Kiên Giang và các CLB khác ở V.League, có thể thấy rằng, sự tồn tại của các đội bóng phụ thuộc rất nhiều vào túi tiền của các doanh nghiệp. Cái khó là vào thời điểm hiện tại, còn rất ít doanh nghiệp kiên nhẫn với bóng đá. Dấu hiệu doanh nghiệp không mặn mà với bóng đá không phải bây giờ mới bộc lộ, mà nó được dự báo từ cách đây 3 năm, khi mà Tập đoàn Hòa Phát tuyên bố giải tán đội bóng. Nhưng ở thời điểm đó, doanh nghiệp này bỏ, thì doanh nghiệp khác sẵn sàng nhảy vào. Còn bây giờ, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chẳng doanh nghiệp nào đủ can đảm để ôm đội bóng.
Bởi vậy, nguy cơ V.League 2013 đổ bể như đang treo lơ lửng.
Yến Nhi