Sáng 20/5, tại Thủ đô Hà Nội, Quốc hội (QH) khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5 với các nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phiên khai mạc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Dự phiên khai mạc có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu và Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Ðảm; nhiều vị khách mời; các vị đại biểu QH các khóa trước; đại diện các đoàn ngoại giao tại Hà Nội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc Diễn văn khai mạc Kỳ họp thứ 5. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu QH đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đó, QH họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Kỳ họp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, các vị trong Đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, QH khóa XIII.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội được tiến hành trong lúc tình hình kinh tế khu vực và thế giới đang trong quá trình phục hồi, nhưng chưa thực sự bền vững. Năm tháng đầu năm 2013, tăng trưởng kinh tế trong nước cao hơn cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiềm chế, giá cả ổn định, lãi suất giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng khá; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được tăng cường; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm... Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn chưa ổn định, nhiều khó khăn thách thức còn hiển hiện, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục gặp khó khăn; việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu chậm được giải quyết; tồn kho hàng hóa và bất động sản còn lớn; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản tiếp tục tăng; việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 5. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tình hình đó đòi hỏi chúng ta có những giải pháp tích cực và đồng bộ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho những năm sau. Trên tinh thần đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các vị đại biểu QH tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân. (Mời xem toàn văn bài phát biểu trên website: baotintuc.vn).
Theo chương trình, tại Kỳ họp thứ 5, QH sẽ tiếp tục cho ý kiến hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân; xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; thông qua 10 dự án luật và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, năm 2013 của QH và cho ý kiến về 7 dự án luật khác.
Quốc hội cũng sẽ dành thời gian giám sát chuyên đề “Việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012”; xem xét một số báo cáo kết quả giám sát của các cơ quan của QH; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu QH; thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2014; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của QH, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên, QH sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của QH đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2013
Tại phiên khai mạc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày khái quát một số nội dung chủ yếu về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2013 và những trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong các tháng tiếp theo để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013 đã được QH thông qua.
Báo cáo cho biết: “Trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch năm 2012, có thêm chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch đề ra. Như vậy, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 4 chỉ tiêu không đạt. So với số đã báo cáo QH tại Kỳ họp thứ 4, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn, 2 chỉ tiêu đạt thấp hơn và 6 chỉ tiêu không đổi.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mặc dù kinh tế - xã hội 4 tháng đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu, nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Dự báo, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định. Tình hình kinh tế - xã hội trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra và xuất phát từ thực tiễn tình hình những tháng gần đây, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới: Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2012; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, phát triển thị trường, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tăng cường phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí và tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chính phủ đề nghị QH, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào cả nước tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác để quyết tâm hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. (Mời xem toàn văn Báo cáo của Chính phủ trên website:baotintuc.vn).
Xử lý hài hòa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát
Tiếp đó, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Tán thành với Báo cáo của Chính phủ, đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng cho rằng, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo QH tại Kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của QH tăng từ 6 - 6,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011…
Về tình hình 4 tháng đầu năm 2013, cơ quan thẩm tra nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2013 tăng 4,89% có cao hơn quý I/2012 (tăng 4,75%) nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với quý I/2011 (tăng 5,53%) và quý I/2010 (tăng 5,84%).
Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn.
Tổng hợp 1.724 ý kiến cử tri
Cũng trong buổi sáng, QH đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Theo đó, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIII, tính đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.724 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới QH.
Huy động được nhân dân xây dựng Hiến pháp
Chiều 20/5, các đại biểu làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011; Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2011; Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: Việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không chỉ huy động được sự tham gia tích cực của nhân dân ở trong nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để góp ý, hoàn thiện dự thảo mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Dự thảo Hiến pháp, cũng như thực thi Hiến pháp sau này.
Với sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức hữu quan, tính đến nay, đã có hơn 26.091.000 lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức. Nhìn chung, ý kiến của nhân dân tán thành với các nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố, đồng thời nhân dân cũng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm vào các nội dung cụ thể của Dự thảo.
Qua tổng hợp ý kiến nhân dân, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, phù hợp với yêu cầu mở cửa, hội nhập với thế giới.
Có nhiều ý kiến nhân dân đóng góp vào Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nhìn chung các ý kiến cho rằng Điều 1 đã thể hiện rõ những tiêu chí cơ bản của Nhà nước như tên nước, hình thức chính thể, chủ quyền quốc gia. Riêng về tên nước, còn có các loại ý kiến sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa vì tên gọi này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên ở nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập tháng Tám năm 1945. Tên gọi này đã được chính thức ghi nhận trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945 và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ.
Quang Vũ - Phúc Hằng