Khai mạc phiên họp lần thứ 67 Đại hội đồng WHO

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, ngày 19/5, phiên họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức khai mạc tại Geneva. Phiên họp năm nay sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 24/5 với sự tham dự của hơn 3.000 đại biểu đến từ 194 quốc gia thành viên của WHO.



Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường dẫn đầu. Đại sứ Nguyễn Trung Thành và Tham tán Đào Quang Vinh của Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác cùng tham gia các hoạt động của đoàn.

Một loạt vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe toàn cầu sẽ được đưa ra thảo luận và quyết định trong phiên họp Đại hội đồng như: Các nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát các bệnh không lây bao gồm tiểu đường, bệnh tim, ung thư và bệnh phổi mạn tính; Chiến lược toàn cầu mới với mục tiêu ngăn chặn và kiểm soát bệnh lao; Đề xuất cải thiện sức khỏe của bệnh nhân viêm gan siêu vi; Dự thảo kế hoạch hành động đối với sức khỏe trẻ sơ sinh; Tiến bộ về chiến lược toàn cầu của WHO cho dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em; Tiến độ thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và vai trò của sức khỏe trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015; Cách thức để giải quyết vấn đề kháng thuốc kháng sinh; Những nỗ lực để cải thiện quyền tiếp cận thuốc thiết yếu và tăng cường các hệ thống điều hòa thuốc; Kiểm soát bệnh tự kỷ; Bảo vệ nhiều người thông qua phòng ngừa bệnh bằng vắcxin.

Đại hội đồng là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của WHO. Các phiên họp thường niên thường được tổ chức vào tháng Năm tại Geneva với sự tham dự của toàn bộ quốc gia thành viên nhằm đưa ra những quyết sách, phê duyệt ngân sách, đánh giá những tiến bộ cũng như đề ra những cải cách cho tổ chức này.

Theo kết quả khảo sát toàn cầu của tổ chức WIN/Gallup International vừa được công bố, WHO là một trong những tổ chức quốc tế được đánh giá cao nhất thế giới. Trên 2/3 số người được hỏi cho rằng WHO góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Khoảng một nửa số người tham gia cuộc khảo sát khẳng định rằng đóng góp nhiều nhất của WHO là "thúc đẩy dịch vụ y tế cho người nghèo", tiếp đến là những nỗ lực "bảo vệ con người khỏi bệnh tật" và "ứng phó với trường hợp khẩn cấp y tế cộng đồng". Gallup đã tiến hành phỏng vấn 66.306 người ở 64 quốc gia cùng với 16 tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận hàng đầu trên thế giới.


TTXVN/Tin Tức

WHO cảnh báo độ nguy hiểm của dịch bệnh MERS
WHO cảnh báo độ nguy hiểm của dịch bệnh MERS

Số nạn nhân nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) không ngừng gia tăng ở Saudi Arabia đang trở thành một thực trạng rất nguy hiểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN