Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Những năm qua, bằng sự tri ân, tình cảm và trách nhiệm, Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn thực hiện tốt các chính sách chăm sóc người có công bằng những hoạt động thiết thực.
Xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”
Tri ân các anh hùng liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Thấm nhuần lời dạy của Bác:
“Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”. Chỉ tính riêng từ năm 2013 đến nay, việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong công tác xã hội hóa, cộng đồng trách nhiệm trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, góp phần làm giảm nỗi đau, sự mất mát, khó khăn trong cuộc sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” khơi dậy truyền thông tốt đẹp của nhân dân, phẩm chất cách mạng, làm tăng thêm lòng tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
5 năm qua tỉnh Hà Giang đã giải quyết các chế độ, chính sách cho 15.578 lượt đối tượng người có công và thân nhân của họ; 2.974 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp, hưởng chế độ người thờ cúng liệt sỹ và hưởng chế độ bảo hiểm y tế; 342 người được xác nhận là người có công. Chăm sóc sức khỏe cho 6.392 lượt người; giải quyết chế độ cho nhiều học sinh, sinh viên là con em của người có công với cách mạng hưởng chế độ ưu đãi giáo dục và đào tạo. Các chế độ chính sách đã được tỉnh Hà Giang thực hiện tương đối toàn diện góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với cách mạng.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cải thiện nhà ở, Hà Giang có 998 hộ gia đình người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ làm nhà ở, hiện nay đã có 936 hộ được hỗ trợ với tổng kinh phí thực hiện Đề án là 30,16 tỷ đồng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND 11 huyện, thành phố cùng đông đảo nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng như đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và góp ngày công lao động giúp đỡ các gia đình có công gặp khó khăn. 5 năm qua, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã huy động được trên 16,2 tỷ đồng. Từ nguồn vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng với ngân sách của tỉnh và các địa phương, các tổ chức xã hội từ thiện đã xây dựng, sửa chữa, tặng nhà tình nghĩa hàng trăm ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, người có công. Tính đến tháng 6/2018, kết quả chăm sóc đời sống đối tượng chính sách người có công đạt tỷ lệ 91,8% số hộ người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 195/195 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sỹ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ cũng đã được tỉnh Hà Giang triển khai thực hiện có hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 9 nghĩa trang liệt sỹ với 2.776 mộ, 3 đài tưởng niệm, 41 nhà bia ghi tên liệt sỹ ở các xã, phường, thị trấn. Các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm chăm sóc sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang tu bổ đảm bảo khang trang sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ của nhân dân. Toàn tỉnh đã tìm kiếm, quy tập được 61 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh biên giới đã được các địa phương tổ chức lễ truy điệu và an táng tại nghĩa trang liệt sỹ.
Lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
Lãnh đạo Sở LĐ-TBXH Hà Giang thăm, tặng quà thương binh là người Hà Giang đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Ảnh: Văn Quân |
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, trong những năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh hà Giang tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa việc chăm sóc người công công, đảm bỏ tất cả các gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của người dân địa phương trên cơ sở kết hợp ba nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng chính sách tự vươn lên.Tăng cường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ”. Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình như: Xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ thương binh nặng, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng. Duy trì, quan tâm mở rộng phong trào xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công. Phấn đấu đến hết năm 2020, Hà Giang có 100% xã, phường đạt danh hiệu thực hiện tốt công tác thương binh liệt sỹ.
Ưu tiên mọi nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh… Trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu đến năm 2020, 100% hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú. Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018) năm nay cũng là dịp để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang tôn vinh và tri ân những người đã vinh viễn nằm xuống vì độc lập tự do của dân tộc. Khắc ghi công ơn, không phải bằng lời nói mà trong những ngày này, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở ở Hà Giang đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo các đối tượng chính sách. Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang đã, đang làm nhiều việc để các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.