Khắc phục hậu quả bão số 11

Ngày 16/10, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp đánh giá thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 11. Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, lãnh đạo các tỉnh bị thiệt hại nặng do bão số 11 gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi...


Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc gửi lời thăm hỏi ân cần của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới nhân dân vùng bị thiên tai, tới các gia đình có người bị nạn trong bão. Phó Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng của các địa phương trong việc phòng chống bão số 11. Sự chủ động của các địa phương, sự sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong triển khai các phương án ứng phó với bão đã góp phần giảm thiệt hại về người. Sau bão, các địa phương đã nhanh chóng khắc phục hậu quả bão; giải quyết chính sách kịp thời đối với các gia đình bị thiệt hại.

 

Đường giao thông bị ngập sâu, người dân ở Quảng Bình phải di chuyển giữa dòng nước lũ. Võ Thị Dung - TTXVN


Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần chỉ đạo lớn nhất của Trung ương là không để dân phải chịu sống cảnh màn trời chiếu đất, không được để dân bị đói, bệnh tật; đảm bảo môi trường để hoạt động bình thường, đảm bảo các trường học để các cháu đến trường; không được để thiếu gạo, thiếu thuốc, tấm lợp… Trung ương sẽ sẵn sàng hỗ trợ ngay cho các địa phương bị thiệt hại.


Phó Thủ tướng chỉ đạo cần huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc để hỗ trợ người dân, sớm khôi phục điện phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và sản xuất. Về lâu dài, cần nghiên cứu quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình phải có tính ổn định bền vững, trồng cây gì phát triển được, cần có chương trình điều tiết lũ các công trình an toàn hồ đập lâu dài hơn. Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành tổng hợp kiến nghị của từng địa phương trình Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng sớm có quyết định hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả của bão.


Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra các tuyến kè sông ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, các đoạn sạt lở bờ biển và trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Đà Nẵng). Phó Thủ tướng cũng đã đến thăm hỏi, tặng quà cho một số gia đình chính sách tại TP Đà Nẵng bị thiệt hại do bão.


Chủ động ứng phó với lũ đặc biệt lớn


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình đang lên nhanh, riêng sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng xảy ra lũ đặc biệt lớn. Đến trưa, chiều 16/10, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt có khả năng lên mức 9,5 m, trên báo động 2; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 11,5m, ở mức báo động 2; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 2,5 m, trên báo động 2 là 0,3 m; sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 8,5 m, trên báo động 3 là 2 m.

 

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết:

Theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 4 người chết tại Quảng Nam và Đà Nẵng, 5 người mất tích ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, 69 người bị thương tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Nghệ An do sập cửa nhà và cây đổ.

Ngoài ra, bão số 11 cũng làm chìm 41 tàu, thuyền và hư hỏng 35 phương tiện ở Quảng Nam và Quảng Ngãi; hơn 16.300 nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái; gần 2.250 nhà bị ngập; gần 110 trường học bị tốc mái; đổ 190 cột điện; hư hại 662 ha lúa, hoa màu và trên 5.000 ha cây công nghiệp.

Lực lượng quân đội đã huy động hơn 8.700 cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ, hơn 150 phương tiện như tàu, xuồng, ô tô... trực tiếp tham gia ứng phó với bão. Cụ thể là Bộ Tư lệnh Quân khu 4 điều động hơn 6.400 cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ giúp dân di dời, chằng chống nhà, neo đậu tàu thuyền, tìm kiếm cứu nạn. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 điều động gần 1.200 cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ người dân. Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không - Không quân cử 50 cán bộ chiến sỹ tham gia giúp dân tại Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Vùng 2 Cảnh sát biển điều 30 cán bộ, chiến sỹ giúp dân tại Tam Kỳ, Quảng Nam.

Biên phòng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã cử gần 1.050 cán bộ chiến sỹ phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân chằng chống 459 căn nhà; di dời 5.391 hộ với 23.188 người; di chuyển 259 tàu cá xa bờ từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tổ chức cứu nạn 4 người do nhà sập ở Quảng Nam.


Để chủ động ứng phó, xử lý kịp thời những sự cố do mưa lũ gây ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 79 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở; tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.


Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm đảm bảo an toàn. Tổ chức kiểm tra hồ, đập trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du trong mọi tình huống; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng, thấp và có biện pháp chống ngập để đảm bảo sản xuất.


Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các chủ phương tiện vận tải và chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng chống lũ; nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương-Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

 

* Bão số 11 đã gây thiệt hại nặng cho thành phố Đà Nẵng với 11 người bị thương, gần 5.600 ngôi nhà bị sập, tốc mái; 270 phòng học tốc mái, nhiều trang thiết bị dạy học bị hư hại. Hiện nhiều trường học chưa thể hoạt động trở lại bình thường. Các bệnh viện như Phụ sản nhi, Đà Nẵng, Da liễu, Điều dưỡng và phục hồi chức năng, Lao phổi, Mắt và Trung tâm cấp cứu đã bị tốc mái, sụt tường rào, vỡ kính. Trung tâm Hội chợ triển lãm, chợ Đầu mối Hòa Cường cũng bị tốc mái, hư hại nặng. Đường dây 22KV bị đổ 16 cột trụ, đường dây hạ thế bị đổ 45 cột điện và 14 trạm biến áp bị sự cố. Các tuyến đường Hoàng Sa, đường 604, đường 601 bị bồi lấp, sạt lở. Ngoài ra, 40.000 cây xanh của thành phố đã bị gãy đổ. Nhiều khu vực nông nghiệp trồng rau màu, nuôi trồng thủy sản, rừng sản xuất, rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề…

 

Ngày 16/10, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định hỗ trợ cho các gia đình trên địa bàn thành phố bị sập, tốc mái và người bị thương do bão số 11.


Theo quyết định, người bị thương nặng được hỗ trợ 3 triệu đồng/người; hộ có nhà đang ở bị sập, trôi là 10 triệu đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái hoàn toàn hỗ trợ tối đa không qua 4 triệu đồng/hộ; hộ có nhà đang ở bị tốc mái một phần hỗ trợ tối đa không quá 1 triệu đồng/hộ. Riêng đối với các hộ chính sách, kể cả con liệt sĩ có nhà đang ở bị sập, trôi hoàn toàn thì mức hỗ trợ là 30 triệu đồng/hộ.

 

* Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã khiến hàng ngàn hộ dân bị ngập trong nước từ 1 - 3 m. Trận lốc xoáy lúc 1 giờ ngày 16/10 đã quét qua hai xã Quảng Sơn và Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình làm 3 người chết, hàng chục người bị thương, hơn 300 ngôi nhà bị sập và tốc mái.


Đến 11 giờ ngày 16/10, tại huyện Quảng Trạch, mưa lớn kéo dài kèm theo thủy triều dâng đã làm hàng ngàn ngôi nhà ở các xã vùng nam huyện Quảng Trạch bị ngập chìm trong nước và chia cắt hoàn toàn.


Ngay trong sáng 16/10, UBND huyện và các lực lượng đã đến kiểm tra các khu vực bị lốc xoáy và ngập sâu. Khu vực vùng nam Quảng Trạch hiện đang bị chia cắt, giao thông không thể lưu thông. Nước thượng nguồn đổ về và dâng cao khiến nhiều nhà dân bị ngập sâu. Huyện phối hợp với công an, bộ đội biên phòng để tiếp cận, sơ tán và ứng cứu người dân.


Tại huyện Lệ Thủy, nước sông Kiến Giang đang lên nhanh nhưng vẫn ở dưới mức báo động hai, nếu trời tiếp tục mưa, nhiều khả năng trong đêm 16/10, huyện Lệ Thủy cũng sẽ chìm trong nước.


Tại huyện Minh Hóa, khu vực Phú Nhiêu xã Thượng Hóa chìm ngập trong nước từ 1,5-3 m, đường Hồ Chí Minh tắc hoàn toàn. Các xã Yên Hóa, thị trấn Quy Đạt, Quy Hóa… bị cô lập do nước lũ. Riêng rốn lũ Tân Hóa đã bị cô lập hoàn toàn, khoảng 70% nhà dân nước ngập sâu từ 1-2,5 m. Nguy cơ tái hiện lũ lịch sử năm 2010 tại Minh Hóa đã cận kề.


Tại huyện Tuyên Hóa, đêm 15 và sáng 16/10 mưa lớn khiến nước sông lên nhanh. Mực nước ở Đồng Tâm lên 16,64 m, vượt báo động 3 là 0,64 m làm ngập lụt nhà dân ở các xã Thanh Hóa, Thanh Thạch, Mai Hóa, Đức Hóa, Văn Hóa, Tiến Hóa… Riêng quốc lộ 12A đoạn qua cầu Yên Tố (xã Đức Hóa) nước lũ làm ngập đường, gây ách tắc giao thông, khả năng 1-2 giờ tới vị trí này sẽ chìm ngập trong nước. Quốc lộ 15 ngập ở 3 đoạn, giao thông bị chia cắt. Do mưa lớn nên đã xảy ra tình trạng lũ quét tại các xã Đức Hóa và Nam Hóa làm 207 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, rất may không có thiệt hại về người.

 

* Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, bão kết hợp với triều cường đã gây ngập lụt cho một số vùng, với 1.686 nhà bị ngập; trong đó, thị xã Hương Trà có 450 nhà bị ngập, huyện Phong Điền 350 nhà, Quảng Điền 756 nhà và Phú Vang 130 nhà. Điện lực tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bão 11 làm gãy đổ 22 trụ điện, chủ yếu tại huyện Phong Điền, Phú Lộc và Hương Trà; 2.000 m dây điện bị đứt tại huyện Phú Lộc; toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc, A Lưới, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và khu vực phía Bắc thành phố Huế mất điện hoàn toàn, đến tối 15/10 mới cấp điện trở lại.


Tỉnh Thừa Thiên - Huế phân công lãnh đạo trực tiếp xuống các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 11.


Trong mưa bão, khi một đoạn đê biển dài 200 m tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà bị sạt lở do sóng biển và triều cường dâng cao, Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kịp thời huy động 50 chiến sĩ sử dụng hơn 300 bao cát, 50 rọ sắt và xe chuyên dụng để hàn lấp không cho nước biển xé thành cửa biển mới tại đây.


Tổng hợp nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến sáng 16/10, toàn tỉnh có 1 người mất tích do bị lũ cuốn trôi, 11 người bị thương; có 17 nhà tạm bị sập, 669 nhà ở của dân và 4 phòng học bị tốc mái. Thiệt hại nặng nhất là huyện Phú Lộc, nằm ở phía nam tỉnh, giáp với Đà Nẵng, có 108 ngôi nhà bị tốc mái, 3 ngôi nhà bị sập, hàng trăm ngôi nhà khác ngập trong nước. Toàn huyện có hàng chục ha hồ tôm của người dân bị vỡ; nhiều cây cối bị đổ, ngã... Tại huyện miền núi Nam Đông cũng có 170 ha cao su, 390 ha cây keo lai trồng rừng kinh tế bị gãy đổ do bão.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN