IMF kêu gọi Trung- Nhật giảm căng thẳng

Ngày 2/10, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde kêu gọi Nhật Bản và Trung Quốc giảm căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước, nhấn mạnh tình hình kinh tế thế giới ảm đạm hiện nay cần hai nền kinh tế lớn ở châu Á này hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

 

Trả lời phỏng vấn giới truyền thông Nhật Bản tại Washington trước thềm hội nghị thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Tokyo trong tuần tới, bà Lagarde cho rằng, "Trung Quốc và Nhật Bản đều là đầu tàu kinh tế chủ chốt không muốn bị rối trí về vấn đề phân chia lãnh thổ. Hiện trạng kinh tế cũng như nền kinh tế toàn cầu cần cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc can dự một cách đầy đủ".

 

Tàu hải giám Trung Quốc tuần tra gần vùng đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông ngày 2/10. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Tổng giám đốc IMF đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong mấy tháng qua căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo ở biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Gián tiếp hối thúc hai nước nỗ lực giải quyết tranh chấp, bà Lagácđơ nhấn mạnh "việc cùng tồn tại đòi hỏi hai nước láng giềng thể hiện nhân nhượng ở mức độ nào đó".

 

Trong khi đó, trang tin tài chính "Dow Jones Newswires" cho biết các ngân hàng Trung Quốc đã rút khỏi những sự kiện liên quan tới các hội nghị thường niên của IMF và WB diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản tuần tới. Mặc dù các ngân hàng này không công bố lý do, song Dow Jones Newswires cho rằng động thái này là dấu hiệu mới nhất cho thấy tranh cãi giữa hai nước về chủ quyền đảo đang ảnh hưởng rộng hơn tới các mối quan hệ song phương và giờ đây tác động tới cả các mối quan hệ đa phương. Theo Dow Jones Newswires, hiện Ngân hàng trung ương Trung Quốc chưa quyết định có cử đại diện tham dự các hội nghị của IMF hay không.

 

Trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết trưa 3/10 ba tàu hải giám Trung Quốc lại đi vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp.

 

Theo hãng thông tấn Kyodo, văn phòng khu vực của JCG tại Naha, thuộc tỉnh Okinawa, cho biết các tàu tuần tra của lực lượng này đã yêu cầu tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Nhật Bản, song không nhận được phản hồi. Trước đó, ngày 2/10 đã có 4 tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển trên.

 

Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Chính phủ Trung Quốc hai ngày liên tiếp. Tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 3/10, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba kêu gọi phía Trung Quốc kiềm chế "để hai bên có thể liên lạc hiệu quả và tiến hành đối thoại trong bầu không khí hòa bình".

 

Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin ngày 2/10, các tàu hải giám Trung Quốc đã tiếp tục thực hiện một cuộc tuần tra ở vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư nhằm "dõi theo chặt chẽ" việc các "đối tượng Nhật Bản xâm phạm trái phép" khu vực này.

 

 

TTXVN/Tin tức

Nhật phản đối tàu hải giám Trung Quốc tới gần Senkaku/Điếu Ngư
Nhật phản đối tàu hải giám Trung Quốc tới gần Senkaku/Điếu Ngư

Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối tới Chính phủ Trung Quốc về việc một số tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN