Trong bối cảnh sân khấu miền Bắc đang gặp khó khăn vì thiếu vắng khán giả, nghệ sỹ Linh Huyền dường như khá “mạo hiểm” khi đưa ra Hà Nội một chương trình biểu diễn định kỳ vào thứ hai hằng tuần: Chương trình “Hồn Việt”. Thế nhưng, điều đáng nói, đây thật sự là một sân chơi nghệ thuật có chất lượng, tạo ra một điểm đến cho khán giả Thủ đô cũng như những du khách người nước ngoài.
Tinh hoa văn hóa truyền thống
Ở miền Nam, cái tên Linh Huyền không còn xa lạ nữa. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề diễn, từ cải lương, diễn kịch nói, hài kịch, rồi viết kịch bản tuồng cổ với “Bà chúa thơ Nôm”, “Sương Nguyệt Ánh”, “Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm”... cuối năm 2011, Linh Huyền tái ngộ khán giả miền Nam qua chương trình “Hồn Việt” (The soul of Viet) do chính chị viết kịch bản - một chương trình nghệ thuật tổng hợp giới thiệu một số loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam.
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình. |
Sau gần 2 năm biểu diễn tại TP.HCM, đầu tháng 7/2013, “Hồn Việt” đã có mặt tại sân khấu Nhà hát Lớn của Thủ đô Hà Nội. Những đêm diễn đầu tiên khá vắng vẻ, đó cũng là điều dễ hiểu, bởi khán giả Thủ đô chưa quen với một điểm đến định kỳ. Thêm vào đó, khách du lịch quốc tế ở Hà Nội cũng chưa biết đến chương trình. Tuy nhiên, những đêm diễn đầu tiên cũng chứng minh được vì sao “Hồn Việt” đã “sống được” tại TP.HCM.
Giữa sân khấu sang trọng bậc nhất Thủ đô, khán giả đã được thưởng thức đầy đủ những tinh hoa văn hóa Việt Nam, đúng như tên gọi “Hồn Việt”. Từ những bài hát xẩm, hát văn, nhã nhạc cung đình, làn điệu quan họ Bắc Ninh, hay cải lương… Du khách cũng được thưởng thức những âm thanh rộn ràng trong điệu múa sạp các dân tộc miền núi phía Bắc, tiếng tù và, tiếng đàn đá, tiếng cồng chiêng mang đậm chất Tây Nguyên... Chương trình có cả những tiết mục múa võ cổ truyền và những tiết mục thể hiện cuộc sống đường phố đương đại…
Không chỉ là người viết kịch bản và đầu tư tiền bạc cho chương trình, Linh Huyền còn xuất hiện trong vai trò dẫn chương trình. Và bất ngờ hơn nữa khi khán giả thấy chị hóa thân vào vai người đàn ông mù và ca trọn bài xẩm “Mục hạ vô nhân” rất ngọt.
Khán giả, nhất là những du khách nước ngoài ngồi nghe một cách thích thú. “Một chương trình nghệ thuật thú vị, xem chương trình này, tôi được biết đến nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo của các bạn…”, đó là nhận xét của anh Daniel, du khách đến từ nước Anh.
Nói về sự ra đời của “Hồn Việt”, nghệ sỹ Linh Huyền cho biết, lấy chồng là người nước ngoài, chị nhận thấy người nước ngoài rất muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Linh Huyền kể: “Thấy người ta rao bán hàng dạo ngoài phố, chồng mình hỏi sao lại phải làm vậy? Và mình đã giải thích cho anh... Rồi mình chợt nghĩ, tại sao câu trả lời của mình chỉ có mỗi một người nghe, uổng quá. Hơn nữa, từ năm 19 tuổi, mình đã lưu diễn khắp nơi trên đất nước này, mình thấy mỗi vùng miền đều có một nét văn hóa đặc sắc riêng nên mình muốn chia sẻ với nhiều người qua chương trình này”.
Đường còn gian nan
Chương trình “Hồn Việt” sẽ đều đặn diễn ra vào thứ hai hằng tuần, với mong muốn sẽ là một điểm hẹn văn hóa cho công chúng và du khách đến Hà Nội. Đây không phải là lần đầu tiên một nghệ sỹ có ý tưởng xây dựng điểm hẹn văn hóa ở Thủ đô, nhưng việc xây dựng một chương trình công phu, tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật, lại ở vị trí sang trọng như Nhà hát Lớn Hà Nội thì Linh Huyền là người đầu tiên “dám” thực hiện.
Còn nhớ, cách đây vài năm, những người thành lập “Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long” từng có tham vọng xây dựng một điểm “dừng chân” định kỳ cho du khách khi đến Thủ đô có thể tìm hiểu về ca trù. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, câu lạc bộ cũng đóng cửa. Hà Nội hiện còn một vài điểm hẹn văn hóa khác, như chương trình biểu diễn ca trù ở đình Kim Ngân của Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, hay chiếu xẩm ở chợ đêm Đồng Xuân vào tối thứ 7 hàng tuần… Tuy nhiên, những chương trình này mới phục vụ lượng công chúng rất nhỏ. Còn “Hồn Việt” sử dụng khoảng 60 nghệ sỹ cho mỗi đêm diễn dài chừng 60 phút. Nhiều người bảo Linh Huyền thực “bạo gan”. Tuy nhiên, chị bảo: “Đầu tư cho văn hóa thì khó mà tính chuyện “lỗ, lãi”. Tôi luôn nghĩ, nó giống như chuyện mình bỏ muối vào biển thì chả bao giờ sợ mất. Ngày nào đó muốn lấy lại chỉ việc cho nước bay hơi. Tôi có niềm tin mãnh liệt, làm đúng thì các vị tổ nghiệp sẽ hỗ trợ mình...”.
“Hồn Việt” có thành công ở Thủ đô hay không, câu trả lời bây giờ có lẽ quá sớm. Những đêm diễn đầu tiên, khán phòng Nhà hát Lớn còn thừa già nửa ghế. Tuy nhiên, trong số khán giả không lớn ấy, một nửa là người nước ngoài. Điều đó cũng là tín hiệu mừng cho thấy, Hà Nội đang có một điểm đến văn hóa định kỳ cho du khách khi dừng chân tại Thủ đô.
Lâm Tùng