Học phí tăng và hệ lụy xã hội ở Canada

Việc cắt giảm ngân sách cho giáo dục đào tạo sẽ làm tăng chi phí học đường và mang lại gánh nặng nợ cho giới trẻ ở Canada. Điều này cũng có thể sẽ đem đến rủi ro cho cả một thế hệ và gây bất lợi về kinh tế cho quốc gia Bắc Mỹ này.

Hồi chuông báo động


Theo báo cáo của các chuyên gia thuộc Trung tâm Giải pháp chính sách thay thế Canada, trên cơ sở nghiên cứu các dữ liệu có liên quan đến chi phí giáo dục sau trung học trong hơn 20 năm qua, chi phí để có được một văn bằng đại học (đã được điều chỉnh theo lạm phát) được dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 8,6% trong vòng 4 năm tới. Đây là vấn đề đáng báo động có liên quan đến triển vọng kinh tế và sự thịnh vượng của Canada trong tương lai.


 

Tăng chi phí học đường làm nảy sinh các vấn đề xã hội trong giới trẻ Canada.

 

Theo các chuyên gia, mặc dù chi phí hỗ trợ cho giáo dục sau trung học của chính phủ liên bang vẫn cao, nhưng ở các tỉnh đã giảm đáng kể. Trong những năm 1990, tài trợ cho giáo dục đào tạo ở mức 71% học phí, đã giảm xuống còn 55% trong năm 2009 đã khiến cho chi phí học đường của các sinh viên tăng lên nhanh chóng. Các dữ liệu cho thấy học phí và một số lệ phí bắt buộc, đã được điều chỉnh theo lạm phát, trong năm 1990 trung bình là 2.243 USD, đã tăng lên 6.254 USD trong năm học 2012 - 2013 và dự kiến sẽ tăng lên mức 6.842 USD trong năm học 2016 - 2017, nghĩa là gấp khoảng gần 3 lần. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng nghiên cứu của họ chỉ tập trung vào các chi phí bắt buộc, không bao gồm các yếu tố trong nhu cầu tài chính khác như sách, thực phẩm và chỗ ở.


Erika Shaker, đồng tác giả của báo cáo cho biết kết quả của nghiên cứu có thể là một hồi chuông báo động đối với triển vọng kinh tế và sự thịnh vượng của Canada trong tương lai. Nguồn tài trợ công bị suy giảm là một dấu hiệu cho thấy người Canada đang có những thay đổi cơ bản trong cách nhìn nhận đối với giáo dục sau trung học. Và cách tiếp cận như vậy sẽ mang lại những rủi ro cho cả một thế hệ và gây bất lợi về kinh tế cho quốc gia.


Căng thẳng tài chính, xã hội


Theo bà Shaker, việc phải tải một gánh nặng nợ sẽ khiến cho giới trẻ lâm vào tình trạng căng thẳng tài chính trong dài hạn. Họ ít có khả năng tích lũy hoặc cơ hội để có được một căn hộ riêng. Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Canada hiện đã cao gần gấp đôi mức trung bình của quốc gia và những sinh viên mới tốt nghiệp chỉ có thể tìm kiếm được các công việc bán thời gian hoặc tạm thời. Tương lai để họ có được một công việc ổn định, lâu dài là rất khó khăn.


Bà Shaker cho biết thêm, nợ sinh viên cũng có thể gây ra vấn đề tài chính nghiêm trọng hơn đối với các bậc phụ huynh. Bà giải thích rằng khi học phí tăng cao, nếu muốn hỗ trợ cho con em mình, các bậc phụ huynh có thể sẽ phải trì hoãn nghỉ hưu và các khoản tiết kiệm sẽ bị cạn kiệt.


Ngoài ra, việc tăng chi phí học đường đã làm nảy sinh các vấn đề xã hội trong giới trẻ. Ngay cả ở tỉnh Quebec, nơi luôn tự hào có mức học phí thấp nhất trên toàn quốc, chỉ đứng sau Newfoundland và Labrador, mức học phí trong năm học 2012 - 2013 là 2.825 USD, so với mức học phí cao nhất toàn quốc là 7.943 USD của tỉnh Ontario. Tuy nhiên, khi kế hoạch tăng học phí được thực hiện, hàng trăm sinh viên đã xuống đường biểu tình và tẩy chay các lớp học.


Thanh Hải
(P/v TTXVN tại Canada)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN